Cơ quan không gian Nhật sẽ phóng một vệ tinh vào cuối tháng này, chuyên theo dõi khí thải nhà kính trên khắp thế giới và hy vọng số liệu do nó thu thập sẽ hỗ trợ nỗ lực toàn cầu chống thay đổi khí hậu.
Khói thải từ một nhà máy xi măng tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Cục thăm dò không gian Nhật (JAXA) cho biết, vệ tinh quan sát khí nhà kính (GOSAT) rời bệ phóng vào ngày 21/1 tới sẽ cho phép các nhà khoa học tính được mức độ carbon dioxide và khí methane tại 56.000 địa điểm trên trái đất. Đây là khả năng ấn tượng của dự án có trị giá hơn 370 triệu USD này, khi so sánh với việc thế giới mới chỉ có 282 điểm quan sát khí nhà kính đặt trên mặt đất.
Giám đốc dự án vệ tinh GOSAT là Takashi Hamazaki cho biết: “Để đối phó với thay đổi khí hậu, chúng ta cần theo dõi khí thải nhà kính tại tất cả các khu vực trên thế giới và xem xét mức độ thay đổi của chúng như thế nào. Nhưng hiện nay có rất ít các điểm quan sát trên mặt đất và chúng chỉ tập trung tại những khu vực nhất định”.
Theo ông thế giới thiếu các điểm quan sát khí nhà kính ở những nước đang phát triển. Trong khi vệ tinh GOSAT, có biệt danh là Ibuki (sinh khí), sẽ phủ sóng toàn bộ những nước này cũng như bầu khí quyển phía trên các đại dương. Quả vệ tinh trang bị hai bộ cảm biến để theo dõi các tia hồng ngoại phát ra từ trái đất, qua đó tính toán mức độ của hai loại khí nhà kính lả carbon dioxide và methane.
GOSAT dự kiến sẽ hoạt động trên quỹ đạo trong thời gian 5 năm và thu thập dữ liệu mỗi tháng một lần. Những dữ liệu đầu tiên do vệ tinh này cung cấp sẽ được các nhà nghiên cứu tiếp nhận vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới. Việc phóng thiết bị này diễn ra khi Nhật đang chịu sức ép thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2008-2012 về cắt giảm khí thải nhà kính.
Trong khi đó, cơ quan không gian Mỹ (NASA) cũng đang bảo trợ cho Trạm quan sát carbon trên quỹ đạo của riêng mình, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay để thu thập số liệu về carbon dioxide trong khí quyển của trái đất.
Theo VnExpress (Reuters)