Nhật ký mẹ bầu: Tháng thứ 5 mang thai

>> Nhật ký mẹ bầu: Tháng thứ 4 mang thai

Ở tháng thứ 5 mang thai, bạn đã đi được 1 nửa chặng đường của thai kỳ và đây là 1 cột mốc quan trọng. Thời gian này bạn sẽ thấy tự tin hơn, an tâm hơn về sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, bạn vẫn cần ăn uống đúng cách, tập thể dục và khám thai định kỳ để giữ sức khỏe an toàn.

Điều gì xảy ra với cơ thể mẹ bầu trong tháng thứ 5

Bụng to

Chuyện mang thai của bạn giờ đây đã không còn là điều khó nhận ra với người ngoài nữa. Lúc này em bé lớn nhanh hơn mỗi ngày nên tử cung của bạn sẽ to hơn 1 chút. Đây cũng là thời điểm bạn có thể bắt đầu phải đi mua quần áo bà bầu để cảm thấy thoải mái hơn.

Bạn sẽ cần phải thận trọng hơn về tư thế của mình để đảm bảo sự cân bằng trong khi đi bộ hoặc ngồi xuống. Tư thế không đúng vào thời điểm này có thể dẫn đến tình trạng đau lưng rất khó chịu. Ngoài ra, cơ thể của bạn cũng tiết ra relaxin – 1 hormone nới lỏng các khớp và làm cho bạn dễ bị đau nhức, dễ bị tổn thương.

Phù nề

Không chỉ bụng, bạn cũng có thể nhận thấy bàn chân và bàn tay của mình dễ bị sưng lên. Tình trạng vô hại này được gọi là phù nề và xảy ra do việc giữ nước quá nhiều trong cơ thể. Bạn nên tránh đứng hoặc ngồi quá lâu để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, uống nước đầy đủ sẽ giúp bạn thải các độc tố ra khỏi cơ thể và chống lại hiện tượng phù nề. Vào ban đêm, bạn có thể kê chiếc gối dưới chân để tăng cường sự lưu thông và tránh giữ nước.

Thèm ăn

Đôi khi trong thời kỳ này, bạn sẽ nhanh đói hơn và thèm ăn nhiều thứ. Tuy nhiên, cách tốt nhất để đối phó với cơn thèm ăn khi mang thai là ăn thông minh và đầy đủ dinh dưỡng, không ăn quá nhiều đồ vặt không có lợi cho sức khỏe.  

Táo bón và ợ nóng

Nồng độ progesterone tăng lên có thể làm cho bạn phải đối phó với tình trạng táo bón. Tử cung phình ra sẽ đẩy dạ dày lên, khiến cho tiêu hóa chậm chạp và dẫn đến hiện tượng ợ nóng.

Mụn trứng cá

Đây là 1 trong những thứ sẽ “hỏi thăm” bạn trong thời gian mang thai. Ngoài mụn, nám da thì môi nứt nẻ cũng có thể là vấn đề của bạn. Tuy nhiên, bạn không nên điều trị mụn trong thời gian mang thai vì có thể không tốt cho sức khỏe của bạn.

Sự phát triển của bé

Hình thành dấu vân tay

Sự phát triển quan trọng nhất trong tháng này là dấu vân tay của trẻ đã phát triển và sẽ tiếp tục hoàn thiện sau mỗi ngày.

Khả năng nghe trở nên chính xác hơn

Lúc này xương ở bên trong tai đã cứng cáp hơn và thính giác của em bé trở nên chính xác hơn. Khi nói chuyện với bé, bụng của bạn có thể có phản ứng nhẹ nhàng và giúp tạo liên kết giữa mẹ và con. Điều này rất tuyệt vời phải không nào?

Cơ thể được 1 lớp bảo vệ bao phủ

Trong tháng này, toàn bộ da của bé được 1 lớp mỏng màu trắng bảo vệ gọi là vernix, được tạo thành từ các tế bào chết, dầu tiết ra từ các tuyến dầu của em bé và lông tơ. Lớp bảo vệ này giúp cho làn da của bé không bị nhăn nheo sau khi sống lâu trong nước ối.

Tóc được hình thành

1 phần nhỏ da đầu của bé cũng bắt đầu sản xuất tóc và chúng không ngừng phát triển về số lượng qua từng ngày.

Phản xạ nuốt phát triển

Mặc dù, em bé của bạn đã nuốt được nước ối từ lâu, nhưng bây giờ là lúc phản xạ này trở nên tốt hơn. Các chất lỏng đưa vào sẽ được hấp thụ trong cơ thể trẻ và đi xuống hệ thống tiêu hóa để tạo thành “phân su” – lứa phân đầu tiên của trẻ và chúng sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể trẻ sau khi sinh.

Hệ thần kinh phát triển

Hệ thống thần kinh của bé phát triển nhanh hơn kể từ tuần thứ 18. Các dây thần kinh trong não đang thực hiện các kết nối phức tạp hơn và những dây thần kinh mới cũng được hình thành thêm trong quá trình này. Não của bé bây giờ đã có thể phát triển 5 giác quan để cảm nhận được việc chạm vào cơ thể, hình ảnh, âm thanh, mùi và vị.

Thụy Du – (Dịch theo THS)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.