Nhật – Trung chạy đua lên mặt trăng

Nhật Bản cho biết hiện nay các nhà khoa học ở Tokyo đang theo đuổi một dự án lớn về đổ bộ lên mặt trăng. Trung Quốc cũng thông báo nước này hiện đã sẵn sàng nghiên cứu bề mặt của mặt trăng. Cả hai cường quốc châu Á này đều cố gắng để trở thành nước đầu tiên ở châu lục đưa tàu thám hiểm không người lái lên quĩ đạo mặt trăng.

Cơ quan không gian và vũ trụ Nhật Bản cho biết dự án vệ tinh SELENE nghiên cứu mặt trăng của Nhật Bản hiện đã sẵn sàng để được phóng lên quĩ đạo ngày 13/9 tới, sau nhiều năm trục trặc máy móc, kỹ thuật.

Nhật Bản đã chi 276 triệu USD cho dự án SELENE, được coi là chương trình thám hiểm mặt trăng lớn nhất kể từ khi Mỹ phóng tàu Apolo lên hành tinh này.

(Ảnh: PhysOrg.com)

Dự án SELENE dự định đặt một vệ tinh chính vào quĩ đạo mặt trăng và hai vệ tinh nhỏ hơn đặt ở hai cực của mặt trăng để nghiên cứu sự hình thành và phát triển của hành tinh.

Trong khi đó, dư luận tại Bắc Kinh cũng đồn rằng Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh thám hiểm mặt trăng Chang’e 1 lên vũ trụ vào tháng 9 tới. Đến nay vệ tinh thám hiểm mặt trăng và tên lửa đẩy Changzheng-3 của Trung Quốc đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra và thử nghiệm.

Việc chế tạo giàn phóng tên lửa cũng đã được hoàn thành. Tháng trước, Bộ trưởng Công nghệ Quốc phòng nước này nói với truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV rằng mọi việc đã sẵn sàng để Trung Quốc phóng vệ tinh thám hiểm bề mặt mặt trăng vào cuối năm nay.

Tàu thám hiểm mặt trăng Chang’e 1 của Trung Quốc trị giá 185 triệu USD, sử dụng các máy quay hình nổi, các thiết bị đo quang phổ tia X để thu được những hình ảnh không gian 3 chiều về bề mặt của mặt trăng, giúp cho việc phân tích cát và đá trên hành tinh này.

Mặc dù các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận việc hai nước đang cạnh tranh nhau trong việc thám hiểm mặt trăng nhưng trên thực tế việc chuẩn bị cho các dự án tương tự ở mỗi nước luôn ở mức không thua kém nhau bao nhiêu.

Ông Yasunori Motogawa, một giám đốc dự án của Cơ quan Không gian vũ trụ Nhật Bản cho biết bản thân ông không đặt vấn đề thắng, thua nhưng ông tin rằng Tokyo sẽ phóng vệ tinh thám hiểm mặt trăng trước Trung Quốc vì Nhật Bản có công nghệ vượt trội. Ông khẳng định việc Nhật Bản phóng vệ tinh thám hiểm mặt trăng trong nay mai sẽ là một bước đột phá về mặt công nghệ.

Tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản rời bệ phóng
(Ảnh: People.com.cn)

Trong những năm qua, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng nể về công nghệ vũ trụ, gặt hái được nhiều thành tựu vũ trụ khiến thế giới phải trầm trồ ca ngợi.

Năm 2003, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa người lên vũ trụ rồi trở về trái đất an toàn. Sự kiện này làm cho Trung Quốc trở thành nước đầu tiên ở châu Á đưa được người lên quĩ đạo.

Cách đây vài tháng, Trung Quốc đạt thêm thành tựu mới làm người ta sửng sốt đó là lần đầu tiên trên thế giới các nhà khoa học Trung Quốc dùng tên lửa chống vệ tinh bắn lên từ mặt đất đã phá hủy một vệ tinh trên quỹ đạo.

Nhưng Nhật Bản luôn bám sát ngay phía sau Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà khoa học vũ trụ Nhật Bản hồi tháng 1 vừa qua đã thành công trong việc thiết kế một mạng lưới gồm 4 vệ tinh gián điệp cho phép giám sát bất cứ điểm nào trên trái đất.

Nhật Bản đặt kế hoạch sẽ đưa người lên mặt trăng vào năm 2025. Còn Trung Quốc dự định đưa người lên mặt trăng trong thời gian 15 năm tới.

 

Theo AP, Xinhua, Tiền phong