Những cơn sóng thần hung dữ như năm 2011 sẽ không còn là cơn ác mộng với người dân đất nước mặt trời mọc khi Nhật Bản hoàn thành “bức tường” chắn sóng cao 20m, trải dài 230m bao quanh bờ biển Wakayama vào năm 2020.
Theo như tờ Japantoday đưa tin, Nhật Bản đã cho xây dựng một bức tường chắn sóng thần ngoài khơi vùng biển Wakayama. Không giống như bất cứ đê chắn sóng khác, “đê” chắn sóng này được thiết kế đặc biệt để có thể ứng phó nhanh chóng với những cơn sóng thần trong tương lai.
Hình ảnh mô phỏng đê chắn sóng được xây dựng tại bờ biển Wakayama
Đê chắn sóng này được thiết kế là những túi khí hình trụ khổng nối tiếp nhau và được nối với ống bơm khí đặt chìm dưới biển. Bình thường, túi khí này nằm sâu dưới đáy biển. Khi có báo động sóng thần, người ta sẽ cho bơm khí vào, “bức tường” này được hình thành và nổi lên rất nhanh chóng trong một vài phút sau đó và sẽ phá vỡ cơn sóng. Khi đã hoàn tất nhiệm vụ, các túi khí này được xả ra và tự động thu lại chìm xuống dưới biển.
“Vì được thiết kế là những túi khí đặc biệt, nên con đê này không những không gây trở ngại cho giao thông vận tải biển và tính thẩm mỹ của bãi biển. Và dù “bức tường” này được bơm bằng khí nhưng nó đủ sức chống chịu lại sức tấn công của thảm họa”, một chuyên gia cho biết.
Được biết, bức tường chắn sóng này được xây dựng cao 20m (trong đó 13m chìm dưới đáy biển làm chân nền, và cao 7m so với mặt nước biển) và trải dài 234m dọc theo bờ biển Wakayama. Theo như các chuyên gia đánh giá, “đê” chắn sóng này là một giải pháp thông minh.
Dự án này đã tiến hành thực hiện từ cuối năm ngoái. Tính đến hiện tại, Nhật bản mới thử nghiệm và xây dựng thành công 9m đê đầu tiên trong tổng chiều dài 234m. Toàn bộ con đê chắn sóng này sẽ tiêu tốn số tiền khoảng 730 triệu yên và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Trước đó, Nhật cũng đã cho tiến hành xây dựng một đoạn đê chắn sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản với chiều cao là 17m (tuy nhiên bằng phương pháp nâng chiều cao đê thêm 3m trên nền đê cũ cao 14m) và dài 600m.
Theo Báo Đất Việt