Loài nhện ma dùng tơ như cánh diều để bay hàng trăm kilomet qua đại dương đến định cư trên hòn đảo cách bờ biển Chile hơn 600km.
Các nhà khoa học vừa phát hiện ba loài nhện ma mới sống trên đảo Robinson Crusoe, nằm cách bờ biển Chile hơn 600km, trong khu vực Nam Thái Bình Dương, Gizmodo hôm 5/12 đưa tin.
Loài nhện ma biết bay trên đảo Robinson Crusoe, ngoài khơi Thái Bình Dương. (Ảnh: Gustavo Hormiga).
Nhện ma có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được đặt tên dựa trên màu thân nhạt và khả năng chạy rất nhanh của nó. Khoảng hai triệu năm trước đây, loài nhện di cư tới hòn đảo bằng cách sử dụng kỹ thuật “đón gió”, tức là chúng sử dụng tơ như một loại diều để di chuyển qua quãng đường dài. Bằng những cánh diều này, loài nhện có thể di chuyển tới 30km mỗi ngày.
“Tất cả sinh vật sống ở đây đều đến từ nơi khác và tiến hóa trong khoảng thời gian rất ngắn”, Martin Ramirez, một nhà nghiên cứu nhện, cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Martin Ramirez bắt đầu nghiên cứu loài nhện trên hòn đảo từ năm 2011 và tìm thấy bốn loài nhện ma mới một năm sau đó. Tuy nhiên, Eduardo Soto, một nhà nghiên cứu, gần đây tiết lộ vẫn còn ba loài nhện ma khác chưa được đặt tên.
Bản đồ hòn đảo Robinson Crusoe. (Ảnh: Wikipedia).
Điểm đặc biệt của loài nhện này là những con đực có cơ quan sinh dục rất nhỏ so với kích thước cơ thể. Ngoài ra, chúng tiếp xúc với nhau bằng miệng, giống kiểu một nụ hôn.
Loài nhện ma đang phát triển khỏe mạnh trên đảo Robinson Crusoe. Tuy nhiên, số cá thể nhện rất nhỏ, giới hạn trong khu vực hơn 50km2, Martin cho biết. Chúng có thể ăn các côn trùng lớn hơn và sống trong các cây dương xỉ, khúc gỗ mục nát hoặc dưới vỏ cây.
Theo VnExpress