Nhiên liệu sinh học từ thực vật tương đương nhiên liệu hóa thạch

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Leicester, Vương quốc Anh nhận thấy rằng: lượng phát thải khí CO2 ở các đồn điền trồng cây cọ dầu là nhiều gấp đôi so với suy nghĩ trước đây.

Việc trồng cây cọ dầu (góp phần giải phóng lượng carbon, vốn bị mắc kẹt trong than bùn từ hàng ngàn hoặc thậm chí hàng triệu năm), thực sự sẽ làm tăng lượng phát thải khí CO2 tương đương với nhiên liệu dầu mỏ. Khi được sản xuất theo cách này, nhiên liệu sinh học không đại diện cho một nguồn nhiên liệu bền vững.

“Một khu rừng nhiệt đới có tác dụng lưu trữ rất nhiều carbon trong sinh khối của nó, và để trồng các cây cọ dầu, người ta phải phá rừng, trồng thay thế bằng các cây cọ dầu, vốn ít có khả năng lưu giữ nước”, theo Ross Morrison, một trong những tác giả của nghiên cứu này.

“Vì vậy, khi rừng nhiệt đới không còn thì lượng carbon khổng lồ (vốn được lưu giữ dưới các lớp than bùn ngập nước) sẽ được phát thải vào bầu khí quyển. Than bùn chỉ thật sự ổn định khi bị ngập nước toàn thời gian (rừng nhiệt đới có tác dụng giữ nước). Một khi xảy ra tình trạng khô hạn (do tình trạng phá rừng), cho phép oxy đi vào than bùn và điều này gây ra quá trình phân hủy vi sinh vật rất nhanh chóng và giải phóng lượng khí CO2 khổng lồ vào khí quyển”.

Nhiên liệu sinh học (khi bị đốt cháy) vốn được cho là có lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính thấp, (theo tính toán trước đây: chỉ ở mức 50 tấn CO2 mỗi năm cho mỗi ha trồng cây cọ dầu).

Hiện nay, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: lượng phát thải khí CO2 khoảng 86 tấn mỗi năm cho mỗi ha trồng cây cọ dầu, là một con số chính xác hơn. Còn theo tiêu chuẩn đánh giá lượng khí thải trong ngắn hạn (20 năm) của Châu Âu thì con số này tăng lên đến 106 tấn khí CO2 mỗi năm cho mỗi ha trồng cây cọ dầu.

“Nghiên cứu này cho thấy rằng: trước đây, lượng phát thải khí CO2 theo ước tính đã được rút ra từ một số lượng rất hạn chế của các nghiên cứu khoa học, và hầu hết các kết quả nghiên cứu này đã đánh giá thấp quy mô thực tế của lượng phát thải khí CO2 từ ngành công nghiệp sản xuất dầu cọ”, theo Morrison.

“Dự báo tình trạng gia tăng số lượng các đồn điền trồng cây cọ dầu trên than bùn, với tổng diện tích khoảng 2.5 Mha vào năm 2020, chỉ tính riêng ở miền tây Indonesia, tương đương diện tích đất canh tác của Vương quốc Anh”
, theo tiến sĩ Sue Page, trưởng Khoa địa lý tự nhiên, Đại học Leicester, Vương quốc Anh.

Sản xuất nhiên liệu sinh học từ các loài thực vật khác như hạt cải dầu và đậu tương cũng góp phần phát thải ra lượng khí CO2 cao. Bởi vì, điều này gián tiếp dẫn đến sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp dầu cọ để đáp ứng nhu cầu về dầu ăn.

Tuy nhiên, việc sử dụng: Ethanol sinh học hoặc diesel sinh học từ phụ phẩm của dầu ăn, mặt khác, vẫn có thể giúp tiết giảm lượng phát thải khí CO2.

Kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với: chính sách của Liên minh châu Âu về khí hậu và các nguồn năng lượng tái tạo, theo các nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, các đồn điền trồng cây cọ dầu trên vùng đất than bùn nhiệt đới: sẽ làm phát thải lượng khí CO2 khổng lồ; sẽ làm biến mất phần lớn diện tích rừng nhiệt đới và phá hủy sự đa dạng sinh học, dẫn đến sự biến mất của các loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao như hổ Sumatra và loài đười ươi.

Nghiên cứu này đã được nghiệm thu và được tài trợ bởi Hội đồng Quốc tế về Vận tải sạch (ICCT), là nhóm các chuyên gia quốc tế đại diện cho các quốc gia sản xuất xe hàng đầu trên thế giới.

 

Theo Hồ Duy Bình (Theengineer.co.uk)