Nhiệt độ mùa hè ở hầu hết các nơi trên thế giới sẽ thường xuyên phá vỡ kỷ lục hiện nay trong vòng 50 năm tới.
Theo Science Daily, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khí quyển Mỹ (NCAR) cảnh báo, nếu biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra như hiện nay, xác suất để bất kỳ mùa hè nào giữa các năm 2016 và 2080 cao hơn mức kỷ lục hiện nay là 80% trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực không được đưa vào nghiên cứu. Việc thực hiện các mục tiêu hạn chế phát thải khí nhà kính có thể giảm khả năng trên xuống còn 41%.
“Những mùa hè nóng khắc nghiệt luôn là thách thức đối với xã hội, làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe cho con người, gây hại mùa màng, khiến tình trạng hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn”, Flavio Lehner, chuyên gia làm việc tại NCAR, cho biết.
Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2016 và các năm 2010, 2014, 2015, so với mức trung bình giai đoạn 1881 – 1910. (Ảnh: Climate Central).
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học Clara Deser và Benjamin Sanderson tại NCAR sử dụng hai nhóm mô hình để khảo sát nhiệt độ mùa hè trong tương lai. Cả hai được tạo ra bằng cách chạy “Mô hình Hệ thống Trái Đất dựa vào Cộng đồng” 15 lần tại Trung tâm Siêu máy tính Wyoming của NCAR, với giả định lượng phát thải khí nhà kính không suy giảm và giả định khác là các quốc gia thực hiện mục tiêu giảm lượng khí thải.
Sau đó, nhóm so sánh kết quả thu được với nhiệt độ mùa hè giữa các năm 1920 – 2014, cũng như 15 bộ nhiệt độ mùa hè mô phỏng trong cùng giai đoạn trên.
Kết quả cho thấy, trong khoảng thời gian năm 2061 – 2080, có 90% khả năng mùa hè tại nhiều vùng rộng lớn ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi sẽ nóng hơn so với bất kỳ mùa hè nào từng được ghi nhận trong lịch sử, nếu lượng phát thải khí nhà kính không suy giảm.
Một số vùng mà khả năng mùa hè nóng hơn so với mức kỷ lục chưa đến 50% bao gồm: Alaska, trung tâm nước Mỹ, vùng Scandinavia, Siberia và lục địa Australia. Những nơi này có nhiệt độ mùa hè tự nhiên rất khác nhau, khiến các nhà khoa học khó phát hiện tác động của biến đổi khí hậu hơn.
Nếu lượng phát thải khí nhà kính giảm xuống, xác suất để nhiệt độ mùa hè tương lai nóng hơn so với mức kỷ lục trong quá khứ không được dàn trải đều. Tại khu vực bờ biển phía đông nước Mỹ và một số vùng nhiệt đới rộng lớn, xác suất vẫn ở mức trên 90%, ngay cả khi lượng khí thải giảm xuống. Một số vùng khác của Brazil, Trung Âu và phía đông Trung Quốc, con số này thấp hơn 50%.
“Nhiệt độ quá cao gây nguy hiểm cho người dân trên toàn thế giới”, Eric DeWeaver làm việc tại Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), nhận định.
Theo VnExpress