Nhiều giống cây ăn trái chịu phèn, mặn có hiệu quả kinh tế cao

Sau hơn 4 năm nghiên cứu, các nhà khoa học ĐH Cần Thơ đã thành công trong việc ghép chồi lên gốc bưởi, cam bản địa, tạo ra giống hợp với đất phèn nặng.

GSTS Công nghệ sinh học Nguyễn Bảo Toàn, Trưởng phòng thí nghiệm trường ĐH Cần Thơ cho biết:

“ĐBSCL có nhiều loại cây trái mọc quanh nhà, mé mương chịu phèn, hạn, mặn rất cao nhưng trái của chúng lại kém chất lượng, hiệu quả kinh tế không cao. Chúng tôi đã nghiên cứu ghép chồi những cây có trái ngon lên gốc cây bản địa đã tạo ra nhiều cây mới thích nghi môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao”.

Sau hơn 4 năm nghiên cứu, các nhà khoa học ĐH Cần Thơ đã thành công trong việc ghép chồi lên gốc bưởi, cam bản địa, tạo ra giống hợp với đất phèn nặng.

Một vùng đất như thế ở xã Long Phú (Long Mỹ, Hậu Giang) nay đã có nhiều vườn cây gốc ghép bưởi Năm Roi, cam sành cho trái ngon.


Nghiên cứu các loại giống trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Tienphong)

Các nhà khoa học ở trường ĐH Cần Thơ tìm được “cây trúc”, loại cây họ cam, quýt sinh trưởng ở vùng núi Châu Đốc có khả năng chịu hạn cao, dùng nó làm gốc ghép cam, quýt, bưởi. Hiện, đã đưa một số lớn cây cam, quýt, bưởi có gốc ghép là cây trúc trồng trên những vùng đồi chịu hạn cao tiến triển rất tốt.

Từ năm 2004 đến nay, các nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ còn phát hiện “cây quách” có khả năng chịu mặn sinh trưởng nhiều ở vùng Trà Vinh và Sóc Trăng. Cây quách được dùng làm gốc ghép cho cam, quýt, bưởi cũng đã tạo nên giống cây có hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất nhiễm mặn ven biển ĐBSCL.

Tùng Huyên

 

Theo Tiền phong