Nhóm chuyên gia Sao Hỏa của NASA rời Hawaii sau nhiều tháng cách ly

Nhóm chuyên gia Sao Hỏa của NASA rời Hawaii sau nhiều tháng cách ly

6 chuyên gia nghiên cứu sao Hỏa của NASA đã quay trở lại với “thế giới” sau 8 tháng sống tách biệt trong môi trường mô phỏng sao Hỏa trên một ngọn núi lửa hẻo lánh ở Hawaii.

Để sống sót qua quá trình biệt lập, các chuyên gia này đã phải sống nhờ vào các loại trái cây nhiệt đới và trứng các loài vật sau khi sử dụng hết lương khô mang theo và rau quả tự trồng. Đội ngũ chuyên gia này bao gồm 4 nam và 2 nữ, với mục tiêu nghiên cứu các tác động tâm lý các phi hành gia có thể gặp phải khi thực hiện sứ mệnh bay vào không gian vũ trụ trong thời gian dài.

Nhóm chuyên gia Sao Hỏa của NASA rời Hawaii sau nhiều tháng cách ly
6 chuyên gia nghiên cứu sao Hỏa chụp ảnh trước khi bắt đầu cuộc sống mô phỏng trên Sao Hỏa hồi tháng 1 năm nay. (Ảnh: AP).

Nhà khoa học Samuel Paylor chia sẻ: “Thật vinh hạnh cho tôi khi kiến thức thu được trong nhiệm vụ này và các nhiệm vụ khác mà HI-SEAS đã thực hiện sẽ giúp ích cho việc khám phá Sao Hỏa và các sứ mệnh không gian nói chung trong tương lai” .

Những dữ liệu thu được sẽ giúp NASA lựa chọn các cá nhân và các nhóm có tiêu chuẩn phù hợp nhất để đương đầu với sự căng thẳng, tách biệt và nguy hiểm trong chuyến đi kéo dài 2 đến 3 năm tới Sao Hỏa.

Nhóm phi hành đoàn này đã bị cách ly 8 tháng trên một đồng bằng rộng lớn dưới đỉnh Mauna Loa của Big Island, ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất thế giới. Trong khoảng thời gian này, các thành viên thường xuyên phải mặc trang phục phi hành gia trong không gian và di chuyển theo nhóm mỗi khi họ ra khỏi khu vực cư trú.

Thực phẩm chủ yếu của họ là lương khô hoặc đồ hộp đóng gói. Khi lương thực gần hết, họ tiết kiệm bằng cách chỉ ăn dứa, xoài và đu đủ để lót dạ qua ngày. Đồng thời, chuyên gia sinh học Joshua Ehrlich cũng đã trồng thêm rau tươi để cải thiện bữa ăn.

Ehrlich cho biết: “Tôi trồng các loại rau như cà rốt, ớt, rau diếp, cải bắp, rau mù tạt, củ cải, cà chua, khoai tây,rau mùi tây và rau thơm vì chúng có mùi vị thật ngon gợi nhớ quê nhà”.

Nhóm chuyên gia Sao Hỏa của NASA rời Hawaii sau nhiều tháng cách ly
Khu vực cư trú của nhóm phi hành đoàn tại Hawaii. (Ảnh: AP).

Tất cả các thông tin liên lạc của họ với thế giới bên ngoài đều được hệ thống trì hoãn 20 phút -bằng với thời gian các tín hiệu truyền từ sao Hỏa đến Trái Đất. Phi hành đoàn được giao nhiệm vụ điều tra địa chất, nghiên cứu lập bản đồ và duy trì sự sống giống như họ đang thực sự ở trên sao Hỏa.

Chuyên gia công nghệ thông tin của nhóm, Laura Lark, cho rằng mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa của NASA hoàn toàn có thể thực hiện được. Đây là dự án thứ năm trong một loạt sáu dự án nghiên cứu được NASA tài trợ cho cơ sở Hawaii Space Exploration Analog and Simulation (Viết tắt là HI-SEAS) của Đại học Hawaii. NASA đã hỗ trợ khoảng 2,5 triệu đô la cho nghiên cứu tại cơ sở này.

Lark chia sẻ trong một đoạn tin nhắn video được quay tại khu cư trú: “Chắc chắn HI-SEAS sẽ tìm ra được những yếu tố tác động thuộc về con người. Đó chỉ là vấn đề về nỗ lực. Chúng tôi hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ”.

Các phi hành đoàn cùng sinh hoạt chung tại một khu trú ẩn bằng nhựa vinyl (nhựa tổng hợp PVC) có kích thước cỡ bằng một ngôi nhà hai phòng ngủ. Nơi trú ẩn bao gồm khu phòng ngủ nhỏ cho mỗi thành viên, một nhà bếp, một phòng thí nghiệm và một nhà tắm với hai buồng vệ sinh. Các phi hành đoàn sử dụng các trò chơi được thiết kế đặc biệt dùng để đo mức độ tương thích và mức độ căng thẳng của họ. Đồng thời các chuyên gia này duy trì thói quen quay lại cảm nhận của họ mỗi ngày.

Để đánh giá tâm trạng, họ đeo máy cảm biến được thiết kế đặc biệt để đo tần số giọng nói và khoảng cách với những người khác trong không gian sống rộng 111m2.

Nhóm chuyên gia Sao Hỏa của NASA rời Hawaii sau nhiều tháng cách ly
Mô phỏng cuộc sống trên Sao Hỏa của các phi hành gia. (Ảnh: NASA).

“Các thiết bị này có thể cảm nhận được nếu có người muốn tránh mặt nhau hay khi xảy ra những cuộc cãi vã” – trưởng nhóm dự án, giáo sư Kim Binsted tại ĐH Hawaii, cho biết.

Ông cho biết thêm: “Có một điều chúng tôi học được rằng, dù trong nhóm giỏi nhất mâu thuẫn vẫn có thể xảy ra. Do đó chúng tôi rất cần một phi hành đoàn kiên trì, mạnh mẽ ở cương vị cá nhân hay nhóm đều có thể nhận ra các mâu thuẫn và giải quyết được chúng”.

Nghiên cứu cũng đã kiểm tra các phương pháp giúp phi hành đoàn đối phó với căng thẳng. Khi họ mất bình tĩnh, họ có thể sử dụng thiết bị thực tế ảo để đưa họ đi tới bãi biển nhiệt đới hoặc những cảnh quan quen thuộc khác.

Các nhà nghiên cứu ở Hawaii cho biết, mặc dù có rất nhiều dự án mô phỏng sao hỏa trên thế giới nhưng một trong những ưu điểm chính của dự án này là cảnh quan khu vực đồng bằng đất đỏ bên dưới đỉnh Mauna Loa có cảnh quan rất giống trên sao Hỏa.

 

Theo khampha