Nhộn nhịp cuối năm ở chợ hoa xuân Hà Nội

Đó là những cái chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần và kéo dài bảy ngày đêm. Đến khi giao thừa báo hiệu xuân sang mới hết phiên.

Người Hà Nội đi chợ hoa để đón xuân sớm, rước xuân về nhà, để gặp nhau, để thầm hẹn cùng hương đất sắc trời…

Nhộn nhịp cuối năm ở chợ hoa xuân Hà Nội

 

Chợ hoa có hai điều kỳ diệu, hai thứ đẹp nhất: Người và Hoa.

Cái rét của tháng Chạp Hà Nội có thể có nắng vàng, có thể có mưa phùn gió bấc, nhưng vẫn có cái rét căm căm, là điều kiện để trai thanh gái lịch mặc những màu áo sắc khăn đầy hấp dẫn, gợi cảm, pha quyện vào nhau thành bức tranh sinh động, một hòa âm tươi và đẹp trong sắc trời xám bạc mùa đông. Đó là những màu hoàng yến, đỏ cờ, da cam, cá vàng, thiên thanh, hồ thủy. Đó là nâu đỏ giản dị, đen trắng nghiêm, tím Huế mộng mơ, tím than kín đáo… các màu áo đan vào nhau, di động, chan hòa sức sống của cuộc đời sôi động không ngừng.

Trong rừng người đẹp ấy, còn có thể gặp những màu áo rêu từ hải đảo, biên giới xa xôi về. Các anh về Hà Nội, đi chợ hoa để mang không khí và sắc màu của chợ hoa trở lại đơn vị. Cũng có thể gặp những khách nước ngoài. Họ thấy mình như được “bơi” trong sông hoa, được “tắm” trong hương sắc…

Hoa là chúa tể ở đây. Hoa của Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, của đào Nhật Tân, Quảng Bá, của Nghi Tàm, Tứ Tổng, Tứ Liên, của Gia Lâm, Mai Động, Hoàng Mai, còn có hoa của Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc và của Đà Lạt…Có sớm nhất và hết sau cùng là hoa đào. Nhiều nhất là đào bích, rồi đến đào phai, đào ta. Có khoảng vài chục nghìn đào bích, vài trăm đào thế, thêm vài chục cây là đào ghép mai, ghép mận. Có năm có một vài cây bạch đào quý hiếm.

Nếu miền Nam có mai vàng tượng trưng cho Tết thì miền Bắc, cành đào chính là tiếng nói của mùa Xuân. Cái tiếng nói nồng nàn ấy cứ ửng sắc trên cành, rung rinh trong những cánh hoa mỏng. Chơi hoa đào là chơi màu sắc, dáng vẻ, thì chơi mai là cốt cách, chơi lý (mận) là giữ về phong độ. Cùng với hoa đào là một rừng quất. Cái đẹp của đào là hoa thì cái đẹp của quất là quả. Quả chín vàng ươm, tròn trịa, xum xuê. Cây quất tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy.

Nhộn nhịp cuối năm ở chợ hoa xuân Hà Nội

 

Tiếp theo dãy phố hàng quất, bao giờ cũng có một góc nhỏ riêng cho cây cảnh, thường do mấy cụ già ngồi bán. Có thể ngắm chơi bình luận, khen cái thế phụ tử của một cây tùng trăm năm, bình cái dáng anh hùng độc lập của một cây cúc mốc, ngắm cành huyền của một cây si lụ khụ, đàm đạo về cái vẻ mơ màng của một gốc chi mai đơn độc.

Bên cạnh những hòn non bộ tí hon là những khóm trúc đơn sơ, từ trúc tăm đến trúc quân tử, trúc mình rồng mang màu vàng dịu hoặc xanh bền bỉ. Đứng giữa cái góc nhỏ này, ta không hiểu không gian đã được thu nhỏ lại hay chính ta bay cao, vươn xa trước một thiên nhiên là công trình của con người.

Còn hoa! Một trời hoa! Đủ các loài hoa và đủ các màu hoa, từ trắng muốt, phấn hồng, đỏ tía, vàng rộm, tím ngát, vàng chanh…Phổ thông là hoa thược dược. Đó như những chiếc đĩa màu ngồn ngộn, từ trắng nõn nà đến vàng chanh, cánh sen, đỏ thắm hoặc màu pha.Tiếp đến là viôlét lúc nào cũng rung rinh như vừa đọng thêm một giọt sương, như sẵn sàng đợi chờ một lời hò hẹn.

Thắm thiết hơn thì có păngxê. Đó là hoa tưởng nhớ. Hoa sẽ nói thầm “Lúc nào anh cũng nghĩ đến em!”, “Bao giờ em cũng nghĩ về anh”. Hoa păng-xê ưa gượng nhẹ, nâng niu như mối tình chớm nở. Mỗi cây được trồng sẵn trong một chiếc chậu gốm nâu non. Hãy đem nguyên cả chậu cây đặt lên cửa sổ. Lời yêu sẽ bay đến người yêu!

Hoa cúc thì có đến hàng chục loài hoa cúc khác nhau: Đại đóa vàng, bạch cúc rồi hoàng mi, bạch mi, tòng châm, hoàng kim tháp, cúc tím, cúc đỏ, cúc chi, cúc vạn thọ, cúc ngũ sắc… Hoa cúc tàn vẫn chẳng rời thân. Đó là linh hồn của những con người không bao giờ chịu mất gốc. Một giỏ cúc lay động trong mưa xuân, gợi cho người chơi hoa ý niệm thanh cao, sáng đẹp, gắn bó với đất nước quê hương.

Nhộn nhịp cuối năm ở chợ hoa xuân Hà Nội

 

Cành tuy thô nhưng hoa lại lập lòe như những ngọn nến, đó là hải đường. Hải đường thường bị đối xử phũ phàng hơn các loại hoa khác, bày cả đống ở mặt đất. Ai thích cành nào thì chọn cành nấy. Đó là hoa của những người dễ tính, ít thời giờ chơi hoa. Ngược lại, thu hải đường lại nhỏ cây, hoa mọng như chùm nho.

Riêng hoa hồng bao giờ cũng là hoàng hậu của các loài hoa. Hoa hồng là trái tim e ấp. Trái tim thì không cần nhiều. Một thôi! Một bông cầm trong tay mà tặng nhau. Một bông mà cắm vào bình. Hồng có hương ngan ngát, có dáng thanh lịch, có vẻ diệu kỳ. Cành hồng thanh thoát, lá hồng như năm ngón tay, cả cái gai ương ngạnh của nó cũng là một lời nói thầm cùng ai đó. Chợ hoa thường không nhiều hoa hồng và cũng chỉ vài ngày cuối mới có.

Chợ hoa còn có hoa phong lan, sen cạn, huệ trắng… Mỗi hoa một màu riêng, hương riêng. Và nếu hoa có hồn như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ nói thì hẳn chúng đang tâm sự, xao xuyến những điều gì trong làn mưa bay lất phất, trong không khí tràn ngập hương xuân…Cái điệp khúc của chợ hoa năm nào cũng trở lại nhưng không năm nào giống năm nào. Bao giờ ta cũng tìm ra cái mới. Đó là cái thanh tân của hoa, cái kỳ diệu của hương, cái hấp dẫn của màu, cái lạ lùng ánh sắc của mùa xuân mới.