Những bào thai có… 3 cha mẹ

Các nhà khoa học từ Đại học Newcastle (Anh) đã tạo ra những phôi chứa ADN của một người đàn ông và hai người phụ nữ.

Nghiên cứu này, theo họ, có triển vọng giúp các bà mẹ bị những rối loạn gene hiếm gặp nào đó vẫn có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.

Mục đích của việc này là ngăn ngừa những ADN hỏng trong ty thể (“bộ pin” năng lượng của các tế bào) di truyền từ mẹ sang con. 

Quy trình tạo ra bào thai từ một bố, hai mẹ như sau: Trứng (chứa ty thể bệnh của mẹ) và tinh trùng của bố kết hợp, tạo ra phôi. Người ta lấy nhân của phôi này cấy vào một trứng khác, đã bỏ đi nhân. Kết quả là phôi mới không mang các ty thể bệnh như của mẹ mình.

Thực tế, cứ khoảng 200 em bé được sinh ra mỗi năm thì có một em bị các đột biến trong ADN ty thể. Trong hầu hết các trường hợp, đột biến này chỉ gây ra những căn bệnh nhẹ, thậm chí không để lại triệu chứng gì. Nhưng cứ khoảng 6.500 trẻ sinh ra bị bệnh ở ty thể thì sẽ có một em bị các bệnh nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong như yếu cơ, mù hay bệnh tim.

Các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật có thể cho phép những phụ nữ này thay thế được các ty thể bị lỗi trong quá trình thụ tinh ống nghiệm. 

Ty thể: là những phần nhỏ xíu trong tế bào, hoạt động như bộ pin tạo ra năng lượng cho cơ thể. Chúng cũng có ADN của riêng mình, độc lập với ADN trong nhân. Chúng chỉ chứa 37 gene, so với khoảng 23.000 gene của nhân tế bào.

Quy trình được thực hiện như sau: tinh trùng của người cha được kết hợp với trứng của người mẹ. Nhân phôi sau đó được lấy ra, cấy vào một quả trứng khác đã bỏ nhân, nhưng vẫn giữ nguyên các ty thể.

Như vậy, phôi này sẽ chứa gene của cả bố lẫn mẹ, và thêm một chút ADN ty thể từ trứng của người hiến.

“Những gì chúng tôi làm giống như việc thay pin cho chiếc máy tính xách tay”, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Doug Turnbull, giải thích về việc tạo ra phôi của 3 người.

“Nguồn năng lượng giờ đây làm việc ổn định hơn, nhưng thông tin trong phần cứng không hề bị thay đổi”.

“Một đứa trẻ sinh ra bằng kỹ thuật này sẽ có các ty thể hoạt động chính xác, không bị lỗi, nhưng bé vẫn nhận đủ thông tin di truyền từ cả bố lẫn mẹ“, ông nói.

Theo BBC, cho tới nay, nhóm nghiên cứu ở Newcastle đã tạo ra tổng cộng 80 phôi như vậy. Các phôi này được nuôi lớn đến 8 ngày trong phòng thí nghiệm, dưới sự cho phép của Hiệp hội phôi học và sinh sản người Anh.

Nhóm chuyên gia dự kiến thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của quy trình.

Hiện tại luật pháp Anh cấm sử dụng kỹ thuật này trong điều trị vô sinh.

Sharon Bernardi, 44 tuổi, từ Sunderland, được thừa kế các ty thể bệnh của mẹ. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến sự sống của 6 đứa con của cô, tất cả chúng đều chết trong vài ngày sau sinh. Đứa trẻ còn sống duy nhất, hiện đã 20 tuổi, thì mắc bệnh ty thể nghiêm trọng và cần được chăm sóc triền miên.

Sharon cho biết “Đã là quá muộn với tôi, nhưng thật tuyệt với nếu các nhà khoa học có thể ngăn ngừa được chuyện này trong tương lai, để những bà mẹ không phải trải qua những gì tôi đã gặp phải”.

 

Theo VnExpress