Ở Trung Quốc, tre được gọi là “người bạn của dân“. Còn ở Ấn Độ, tre là “gỗ của người nghèo“. Đối với 2 tỉ cư dân trên hành tinh này, tre còn là nguồn thực phẩm và vật liệu xây cất chỗ ở.
Khám phá bí ẩn của cây tre
Người Ấn Độ gọi tre là mambu, người Trung Quốc gọi là chu, trong khi ở Nhật tre có tên gọi là take. Trên thế giới có 1.300 loại tre tập trung chủ yếu ở Nam Mỹ và châu Á, trong đó Đông Nam Á chiếm hơn 600 loại.
Thậm chí trên dãy Himalaya băng giá có loại tre mọc trên sườn núi ở độ cao 4.000m. Dù tre được sử dụng đa dạng ở vùng châu Đại Dương, Nam Mỹ và châu Phi, nhưng châu Á mới chính là chiếc nôi của tre. Xuất xứ của nó có thể từ Ấn Độ, Myanmar và quần đảo Indonesia. Người ta phát hiện ở Trung Quốc những chiếc chiếu và giỏ tre có niên đại từ 3.300 – 2.800 năm trước Công nguyên.
Theo một gợi ý về cách thức bảo vệ môi trường, trồng một hàng rào bằng tre sẽ giúp hấp thụ CO2 nhiều hơn lượng khí mà chúng thải ra và không nên hạn chế quá trình tăng trưởng của chúng. Tre mọc rất khoẻ, có thể cao thêm 30cm/ngày hoặc hơn nữa tuỳ giống. Để đạt đến chiều cao 35m, tre đã “lập trình” một chiến lược phát triển theo chiều… thẳng đứng.
Bên dưới lớp đất, rễ tre tích tụ nguồn dự trữ cần thiết để măng mọc lên. Trái ngược với thân cây tăng trưởng theo đường kính, tre phát triển như một cây ăngten kéo dài ra, các đốt tre lần lượt nối nhau. Tre ra hoa (khoảng sau 10, 50 hoặc 100 năm) là chuyện hiếm thấy, nhưng nó rất tai hại vì làm kiệt sức thân cây và báo hiệu tre sẽ già chết đi.
Thời gian lý tưởng để khai thác tre là khoảng 3 năm hoặc hơn, vì khi đó tre đã đạt độ bền. Ở nhiều nơi tại châu Á, tre cao khoảng 12m được dân làng chẻ thành từng lát mỏng. Để làm ra chén đĩa, họ uốn những lát tre mỏng theo hình xoắn ốc và dán bằng một loại keo lấy từ thân cây saké. Tại các cơ sở chế biến, người ta dùng máy cắt thân tre thành từng lát dày khoảng 8mm, ép dẹp và tẩy trắng trong nước sôi, sau đó xử lý bằng chất diệt nấm.
Theo xu hướng hiện nay, tre là một loại vật liệu thông minh, thẩm mỹ và rất môi trường. Ekobo, một công ty Pháp có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã cho gia công các loại chén, tô, muỗng nĩa bằng tre. Thậm chí hãng Play Engine còn đưa “loại cỏ khổng lồ” này vào các bàn phím, màn hình và chuột vi tính. Tại Tokyo, các nữ điều dưỡng mặc áo blouse bằng tre vì loại sợi này có chứa một tác nhân chống khuẩn tự nhiên và rất thoáng mát.
Tre mang lại ánh sáng
Để chế tạo chiếc bóng đèn điện đầu tiên của mình vào năm 1878, Thomas Edison phải giải quyết vấn đề sợi dây tóc. Ông phải tìm ra một loại vật liệu đủ bền để phát sinh ra điện mà không bị cháy. Thế là Edison đã thử 1.600 loại, trong đó có tóc, cotton, lanh và thậm chí cả lông voi. Sau khoảng một ngàn thử nghiệm, cuối cùng ông chọn được một loại tre Nhật.
Cây tre – từ khai thác đến các công đoạn chế biến ra vật dụng. (Ảnh A.Q)
Không bỏ thứ gì từ cây tre Doanh số của tre và các chế phẩm của nó được ước tính khoảng 8 tỉ euro/năm. Mọi thứ từ cây tre đều có công dụng của nó. 1.Ngọn tre: giàn giáo, cọc, tăm xỉa răng, que xiên. Tre đi theo con đường tơ lụa Tre xuất hiện trên trái đất cách nay từ 30 – 40 triệu năm, theo ước tính của các nhà thực vật học. Người Trung Quốc là những người đầu tiên dùng tre làm nền chữ viết để khắc lên đó lịch sử của mình. Sau một thời gian bị thay thế bằng tơ lụa, tre tái xuất hiện ở thế kỷ thứ 8 như một nguyên liệu để sản xuất bột giấy. Tre có mặt ở châu Âu vào khoảng năm 550. Từ Trung Quốc, các thầy tu đã bí mật nhập vào Constantinople ấu trùng tằm giấu trong các ống tre. Đến thế kỷ 19, những nhà nhập khẩu tơ lụa đem về những mẫu tre để làm quà tặng khách hàng giàu có hoặc bậc vương giả. Thế là tre trở thành loại cây kiểng. Lúc đầu, chỉ có một số giống tre có thể kháng cự được khí hậu châu Âu, chẳng hạn giống Phyllostachys. Một trong những rừng tre lâu đời nhất và phong phú nhất của châu Âu nằm ở Anduze, vùng Gars (Pháp). Rừng tre này ra đời vào năm 1856 và hiện tập trung đến 300 loài. |
Theo Sài Gòn tiếp thị