Mùa hè là điều kiện thuận lợi để một số loại bệnh bùng phát và phát triển, nhất là những bệnh như: Tiêu chảy cấp, viêm da, dị ứng, viêm đường hô hấp…
-
1
Bệnh tiêu chảy cấp
Mùa hè với thời tiết nắng nóng là điều kiện hết sức thuận lợi cho các bệnh tiêu chảy cấp. Có nhiều loại vi khuẩn gây nên bệnh lý tiêu chảy cấp như tụ cầu vàng, E.coli, phẩy khuẩn tả, giun, sán, vi khuẩn Salmonela, Shigela hoặc Rotavirus.
Khi nhiễm bệnh, cho dù nguyên nhân là gì và loại vi khuẩn nào gây nên thì việc quan trọng nhất và đầu tiên cần làm là bù nước và điện giải. Ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi người bệnh đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.
Một điểm hết sức quan trọng nữa đó là trong khi bị tiêu chảy cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm. Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ thì vẫn phải cho trẻ bú mẹ và các bữa ăn dặm phải lỏng hơn, mềm hơn và chia thành nhiều bữa nhỏ.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm giảm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Tuy nhiên, chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định cho dùng thuốc gì, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
-
2
Mẩn ngứa, dị ứng
Mẩn ngứa là một bệnh viêm da thường thấy trong mùa hè, do rất nhiều nguyên nhân phức tạp gây nên, trong đó có thời tiết. Gần đây, người ta nhận thấy những người béo, có cơ địa dị ứng và những gia đình có người thường xuyên bị viêm da… là những đối tượng có nguy cơ cao nhất.
Đối với những người có cơ địa dị ứng, cần phải luôn đảm bảo vệ sinh da sao cho lúc nào cũng sạch sẽ; không để cơ thể bị nắng, gió tấn công. Không gãi lên những vùng da bị tổn thương. Quần áo phải rộng rãi và làm bằng chất liệu mềm mại.
Khi bị mẩn ngứa, một vài món ăn sau có thể góp phần cải thiện tình hình: Mướp 30g, rửa sạch thêm chút muối, nấu chín ăn cả bã, nước; Rau sam, rau muống, mỗi thứ 30g cùng nấu canh dùng uống; Rau muống 30g, râu ngô 15g, mã thầy 10g, nấu canh ăn; Đậu xanh, bách hợp, mỗi thứ 30g, nấu cháo ăn; Cá trạch tươi luộc bỏ bã ăn canh; Gạo nếp 50g, rau câu 30g, nấu cháo ăn; Sinh ý dĩ nhân, bột mã thầy, mỗi thứ 30g, cùng nghiền bột mịn nấu cháo; Xích đậu, bí xanh lấy vỏ, mỗi thứ 30g, sắc uống thay trà, có thể uống thường xuyên; Nước chè xanh, nước quả tươi hoặc nước cà chua uống thường xuyên. Cũng có thể cho ăn cháo đậu xanh.
Một số thói quen cần tránh, đó là: Tránh dùng xà phòng rửa da vì sẽ làm mẩn ngứa nặng thêm. Nếu vẩy hơi dầy có thể dùng dầu gai bôi lên cho mềm da; Không đắp chăn quá dày vì sẽ gây ngứa, không nên dùng chăn len hoặc không nên mặc áo len; Không nên dùng loại kháng sinh có tác dụng phụ gây dị ứng, nên thử cẩn thận trước khi tiêm, hết sức thận trọng khi dùng đường uống. Trường hợp bị mẩn ngứa kéo dài, nên đi khám tại Viện da liễu.
-
3
Viêm đường hô hấp
Ai cũng biết rằng các loại bệnh phổi, phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm họng… rất thường hay xảy ra vào mùa lạnh, vậy mà trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, số bệnh nhân (cả trẻ em lẫn người lớn, đặc biệt là số trẻ rất nhỏ) đến khám và nhập viện do các bệnh về hô hấp và tai mũi họng bỗng dưng tăng vọt.
Vì quá nóng mà cả người lớn và trẻ nhỏ khó chịu nên suốt đêm cứ phải nằm bên quạt máy và người lớn thì lo đi tắm hồ, tắm sông hay sử dụng liên tục các loại nước giải khát có đá… Các biện pháp này lúc đầu tuy có tác dụng giảm nhiệt tạm thời nhưng nếu cứ kéo dài mãi thì không cơ thể nào có thể chịu nổi. Tình trạng ngoài nóng trong lạnh hay ngược lại đã khiến cho tất cả các cơ quan tuần hoàn phải hoạt động hết công suất để điều hòa và làm đảo lộn thế cân bằng sinh lý vốn có của toàn bộ cơ thể – tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát tác. Nóng còn có thể gây ra cao huyết áp, chảy máu mũi, nhức đầu, khó ngủ, giảm khả năng hoạt động trí óc và thể lực…
Việc quạt liên tục một chỗ làm cơ thể mất nhiệt triền miên đồng thời làm da vùng đó bị khô quắt lại, sẽ tai hại hơn nếu vùng được thông gió quá nhiều lại là phần đầu – mặt hay vùng ngực – lưng… khiến cho đường thở luôn bị lạnh. Mọi việc sẽ diễn ra với các cơ quan hô hấp y như trong những ngày mùa đông lạnh giá, biểu mô hô hấp sẽ bị xung huyết, viêm, sưng nề, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi-rút (vốn có trong khí thở) phát triển. Với người chống nóng bằng cách sử dụng quá nhiều nước lạnh (tắm, uống, chườm…) cũng vậy.
Khuyến cáo: Quạt phải luôn được quay thay đổi hướng gió. Việc lau hoặc đắp khăn ướt lên người sẽ tốt hơn vì nước giúp cho việc hạ nhiệt nhiều hơn qua bay hơi và không làm cho da chúng ta bị khô quá do mất nước. Chỉ nên uống nước mát chứ không quá lạnh nếu bạn không muốn bị viêm họng, viêm xoang và viêm phổi – phế quản. Những trường hợp này hầu hết có thể điều trị bằng cách súc miệng với nước muối (hay mật ong với trẻ nhỏ), tránh nhiễm lạnh tiếp tục. Rất ít trường hợp phải dùng đến kháng sinh, trừ khi viêm nhiễm quá nặng.