Từ trên những cành cao của chúng, hàng bao thế kỷ đang nhìn ngắm chúng. Những cây cổ thụ lão niên đó là chứng tích của lịch sử loài người, và chúng đáng được quý trọng vì tuổi thọ. Liệu Unesco có cần phải đưa chúng vào danh sách di sản thế giới chăng?
Nhà thực vật học Jean-Marie Pelt khẳng định rằng “những cây cổ thụ là các dấu tích độc đáo đã vượt qua thời gian, mang nặng truyền thuyết và lịch sử”. Thế nhưng những sức mạnh của thiên nhiên đó lại ít được người ta biết đến hơn là các đền đài. Đúng là một sự bất công cho dù chúng có thể chết, bởi vì khi còn sống, chúng cũng đáng được bảo vệ. Cây sồi Marie-Antoinette ở lâu đài Versailles là biểu trưng. Nó đã được cứu sống nhờ một bà hoàng hậu thích nằm nghỉ dưới bóng mát của nó. Nó bị đốn hạ vào tháng 2.2005 lúc được 324 năm tuổi, thân của nó sẽ được trưng bày gần vườn ươm Trianon.
Cách Rouen 50 kilômét, tại Allouville-Bellefosse có một cây sồi khác vẫn còn đứng vững từ thời nhiễu loạn cuối thế kỷ 17. Vào năm 1696, vị linh mục giáo phận địa phương cho khoét một hốc trong thân cây để làm nhà nguyện và phòng ở của một tu sĩ ẩn dật. Nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nguyện cầu Đức Mẹ. Một thế kỷ sau, khi những cái đầu rơi rụng như sung, cây sồi nhà nguyện đó sống sót được nhờ thiên tài của thầy giáo Jean-Baptiste Bonheur. Ông cho đóng tấm biển đề “Đền thờ của Lý trí” lên thân cây. Khi những người cách mạng kéo đến định đốn hạ “cái ổ thuyết giáo” đó, họ đành rút đi khi nhìn thấy tấm biển lý tưởng của cách mạng.
Cây El Arbol ở thành phố Tule, Mexico |
Kích thước những cây cổ thụ đó tương xứng với tuổi tác của chúng. Tại Mexico, trên quảng trường của thành phố Tule có cây “El Arbol”, một cây bách hơn 2.000 năm tuổi với chu vi gốc đến 58 mét. Trước khi người Tây Ban Nha đến xâm chiếm vào năm 1556, cây bách đó sống giữa khu đầm lầy, nhưng giờ đã khô cạn. Vào năm 1994, nhà chức trách Mêhicô lo lắng khi thấy cây chết dần. Các chuyên gia nhận định rằng cây bị thiếu nước. Thế là người ta bắt đầu tưới cho cây thường xuyên và du khách không được đến quá gần cây.
Tuy nhiên những cây cổ thụ bách niên lại rất yếu ớt, chúng là nạn nhân đầu tiên khi môi trường bị xuống cấp. Tại Morondava trên đảo Madagascar có một con đường trồng những cây baobab khổng lồ tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ. Những thân cây thẳng trơn vươn lên trời, tận cùng là một tán lá nhỏ. Người dân Mêhicô hay nói đùa rằng chúng bị quỷ dữ nhổ đi rồi trồng ngược rễ lên trên. Madagascar có 7 loài trong tổng số 8 loài baobab trên thế giới, nhưng loài baobab ở Morondava đang bị đe dọa bởi nạn cháy rừng và vì dân làng thường lấy vỏ cây lợp mái nhà.
Vào tháng 3 vừa qua, hội “Những người bạn của Trái đất” đã đề ra một chiến dịch bảo vệ cây moabi – loài cây lớn nhất trong rừng già châu Phi – mà một số sống đến 2.500 năm. Thổ dân Pygmée xem chúng như là thần rừng và dùng chúng vì các đặc tính trị bệnh, còn người Bantou lấy hạt của chúng để trích dầu. Cây moabi bảo vệ và nuôi dưỡng các bộ tộc ở vùng châu thổ sông Congo. Đồng thời chúng cũng là nguồn lợi: 3/4 số cây moabi được xuất khẩu sang Pháp để đóng tủ bàn. Do nạn phá rừng ồ ạt nên cây moabi có nguy cơ tuyệt tích trong những thập niên tới. Có gần 80% rừng nguyên sinh đã bị con người tàn phá.
Những cây thông Bristlecone trong sa mạc White Mountains ở California có tuổi thọ tương đương với các kim tự tháp ở Ai Cập. Chúng được phát hiện vào thập niên 50 trên độ cao 3.000 mét, và 17 cây trong số đó vượt quá 4.000 năm tuổi, và cây “Mathusalem” già nhất thế giới hiện nay đã được 4.771 năm. Vào năm 1964, một sinh viên địa lý học đi lùng tìm một cây già hơn. Do sơ suất nên anh ta làm gãy cái khoan trong một thân cây và cho nhân viên kiểm lâm đốn cây. Sau đó người ta đếm được thân cây đó có đến 4.950 vòng tuổi. Quả là một kỷ lục bị tàn lụi quá nhanh.
Cây thông Bristlecone trong sa mạc White Mountains (Ảnh: scotthaefner)
Ở Nhật, những cây long não rất thiêng liêng. Chúng mọc trong các đền thờ Thần đạo của những thành phố ven biển. Tại Atami cách thủ đô Tokyo 70 kilômét có cây long não lớn thứ nhì trong nước. Trong thập niên 70 nó đã chịu được một đợt sóng thần, gốc cây khổng lồ của nó chắn lại sự tấn công của bức tường nước cuồng nộ. Từ đó những kẻ tín ngưỡng đổ xô đến để cầu nguyện thần cây và đi quanh gốc cây. Theo truyền thuyết, mỗi vòng theo chiều kim đồng hồ sẽ phù hộ người ta thọ thêm 1 năm tuổi, hay sẽ giảm thọ 1 năm nếu đi ngược lại.
Tại một tu viện ở thị trấn cổ Ayatuya cách Bangkok 80 kilômét về phía Bắc có một cây đa mà rễ của nó bao lấy một pho tượng đầu đức Phật. Nhưng ai đã đặt pho tượng vào đấy? Vào thế kỷ 18, quân Miến Điện xâm lăng đã tàn phá khu vực đó, cướp bóc các đền miếu và chặt đầu những bức tượng. Có lẽ một trong số đó đã tình cờ rơi vào gốc cây đa rồi được rễ cây ôm lấy.
Một cây sồi được đặt tên là “cây sồi quạ” ở Erle (Đức) có hình dáng rất ghê gớm. Ngày trước đó là nơi đặt miếu thờ thần chim Wotan. Nó nổi tiếng vì vào thế kỷ 13, hoàng đế xứ Westphalie đã lập một tòa án bí mật dưới gốc cây để xử tội những kẻ chống đối. Đến thế kỷ 19, thân cây bị mục ruỗng hoàn toàn. Bên trong đó, bá tước Clèves mở tiệc đãi 20 quan khách. Gốc cây có đường kính 12 mét, và hiện nay cây phải sống dựa vào những giá đỡ.
Một cây đa ở Sri Lanka là cây thiêng liêng nhất thế giới. Nó xuất xứ từ chính cây đa mà đức Phật đã ngồi tu vào thế kỷ thứ 6 trước CN. Trước khi cây này chết đi, một công chúa Sri Lanka đã cho chiết cành đem về trồng tại Anuradhapura. Mới đây, phe “Những con hổ Tamil” ở Ấn Độ định cho nổ mìn cây đa mà họ cho là biểu tượng của “sự áp bức của Phật giáo” đó.
Cây đa ở Sri Lanka là cây thiêng liêng nhất thế giới (Ảnh: harappa)
Tại Madagascar, các rễ cây từ một cây đa duy nhất đã mọc lên thành nhiều cây đa con. Cách đây 200 năm, một trận hạn hán đã đe dọa cả đất nước. Để làm dịu cơn giận dữ của thần linh, các thầy tu đã hiến tế một trinh nữ. Cây đa đã mọc lên từ thân xác của cô gái đó.
. Cách đây 200 năm, một trận hạn hán đã đe dọa cả đất nước. Để làm dịu cơn giận dữ của thần linh, các thầy tu đã hiến tế một trinh nữ. Cây đa đã mọc lên từ thân xác của cô gái đó.
Theo Thiên nhiên Việt Nam