“Tôi may mắn được làm việc với đam mê” – Có lẽ cũng vì công việc lắm niềm vui ấy mà ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, vị bác sĩ già vẫn trẻ trung và minh mẫn.
Bác sĩ Ngọc Lâm.
Chúng tôi tìm đến phòng khám chữa vô sinh, hiếm muộn của bác sĩ Ngọc Lâm (mọi người thường quen gọi là bác Lâm) tại Mỹ Đình, Hà Nội vào một buổi chiều khi bà vừa nghỉ khám. Được biết, phòng khám này mỗi sớm tinh mơ vẫn là nơi hàng dãy người xếp hàng ghi tên vào sổ đợi. Bà niềm nở đón tiếp và miên man kể về cái nghề của mình, nghề mà bà cho rằng mình may mắn được làm việc với đam mê.
Bà bảo: “Có đam mê, người ta đầu tư thời gian tìm hiểu, tìm tòi, tôi may mắn đã làm những gì tôi ao ước, mong mỏi từ nhỏ. Vì vậy, tôi vào nghề rất là sớm, khi mới 21 tuổi và trải qua quãng thời gian dài học tập và gắn bó với nghề như điều gì đó không thể thiếu trong cuộc sống.”
Từ nữ sinh trung cấp Viện y học cổ truyền Trung ương của 55 năm về trước, bà Ngọc Lâm tiếp tục theo học bằng đại học chuyên khoa sản mà theo lời bà nói “để có thể ‘đi’ bằng cả 2 chân: Tây y và Đông y”. Cuộc đời làm nghề của bà gắn với việc học và nghiên cứu khoa học, vì thế bà tiếp tục tham gia khóa đào tạo giảng viên y học cổ truyền và đã thực hiện nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học y học.
Bác sĩ Ngọc Lâm nguyên là trưởng khoa Phụ, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, giảng viên Đại học Y Hà Nội. Năm 1991, bà mở phòng bệnh tư chuyên về phụ sản, đặc biệt là chữa vô sinh, hiếm muộn. Lý giải việc chuyển hướng của mình, bà cho rằng y học cổ truyền rất có khả năng chữa bệnh khó và bà nhận thấy nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng đang gặp phải căn bệnh này.
“Chữa thành công những ca đầu là sự khích lệ rất lớn với tôi”, vừa nói bà vừa lật giở cuốn sổ màu đỏ ghi lại danh sách những trường hợp tìm đến bà chữa vô sinh, hiếm muộn trong suốt 25 năm qua. Ánh mắt ánh lên nỗi niềm hạnh phúc, bà bảo: “Khoảng 2100 trường hợp đậu thai có báo lại với tôi”.
Vị bác sĩ già chăm chú xem những bức ảnh các em bé đã ra đời sau khi mẹ điều trị ở phòng khám của bà.
Tất cả trường hợp đó bà cũng đều cẩn thận ghi lại, kể cả hơn 5.000 trường hợp âm án vô sinh, tính cả những người đến khám nhưng không đến chữa. Nhưng có lẽ chẳng có từ ngữ nào có thể miêu tả hết niềm hạnh phúc trong đôi mắt và nụ cười của vị bác sĩ già khi lật giở từng bức ảnh trong một cuốn album. Đó là cuốn album tập hợp những bức ảnh của các gia đình, những em bé đã chào đời sau khi cha mẹ chúng tìm đến bà chữa trị. Những bức ảnh vô giá đó được bố mẹ chúng tự gửi đến là món quà vô giá với người dành cả cuộc đời làm thầy thuốc của bà.
Bà kể thêm: “Nhiều người có tin vui không báo cho tôi nhưng tôi tin là họ không quên. Họ có thể là người giới thiệu những trường hợp không may mắn như mình tiếp tục đến đây”.
Chuyên chở hy vọng của cả một gia đình, dòng họ
Kết hợp Đông y và Tây y, giữa y học cổ truyền và khoa học hiện đại là phương pháp mà bác sĩ Ngọc Lâm đang thực hiện. Bà cho biết dù chữa trị bằng phương pháp nào thì điều quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì.
Nhiều năm thăm khám, chữa trị những ca khó, “bác Lâm” đã không ít lần trăn trở, thậm chí mất ngủ để tìm được phương pháp phù hợp với thể trạng bệnh, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Có những ca chỉ 10 ngày, 10 thang thuốc nhưng có ca phải cả năm, cả trăm thang thuốc và kết hợp với phác đồ Tây y nữa mới thành công. Thậm chí, bà phải chỉ định ngày quan hệ của cặp vợ chồng đó từ việc kiểm tra thời gian rụng trứng.
Hơn 50 năm chữa phụ khoa và vô sinh, bà đưa ra lời khuyên: “Những bà mẹ nuôi con gái cần chú ý tuổi dậy thì của con như thống kinh, vô kinh… cần điều trị sớm và tốt nhất điều trị thuốc y học cổ truyền, không nên điều trị vội vàng nội tiết. Những cặp vợ chồng mới lấy nhau cũng không nên vội vàng tìm đến phương pháp mạnh như điều chỉnh nội tiết, thụ tinh ống nghiệm,… Quan trọng hơn, quan hệ tình dục tiền hôn nhân quá dễ dãi, nạo phá thai là điều tuyệt đối không nên”.
Nhiều năm nay, địa chỉ phòng khám của bà đã quen thuộc cho những cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn cả trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí ở nước ngoài. “Bác Lâm” đã đem lại niềm vui làm mẹ cho không ít người phụ nữ hiếm muộn. Bà nói, hành trình “kiếm con” là sức ép với mỗi cặp vợ chồng, là bất hạnh của nhiều gia đình và mong mỏi của cả dòng họ, nên bà làm tất cả bằng chữ tâm.
Những câu chuyện về hành trình “từ nước mắt đến hạnh phúc”
Dựa vào những con số thành công và âm án đã ghi lại trong 25 năm qua, bà khẳng định: Với tỉ lệ thành công gần một nửa nhờ sử dụng phương pháp rẻ tiền, đơn giản thì tôi tin Đông y là phương pháp ưu việt chữa trị vô sinh, hiếm muộn.
Nhiều năm qua, vị bác sĩ già ấy vẫn luôn khiêm tốn và nỗ lực từng ngày để giúp thêm được nhiều gia đình hơn nữa. Quãng thời gian được làm việc với nghề là quãng thời gian trải qua bao cung bậc cảm xúc của bà, hơn hết, bà đã chứng kiến không biết bao nhiêu niềm vui của những cặp cặp vợ chồng đã đón được con sau bao ngày mong mỏi.
Không chỉ các cặp vợ chồng trong nước mà nhiều người nước ngoài cũng tìm đến bà Lâm chữa trị. Chẳng hạn như cặp vợ chồng người Đan Mạch 37 tuổi – Jine và Matte Davidson – họ tìm đến bà và đã có hai con sau gần chục năm trời mong đợi.
Đến bây giờ, bà còn nhớ như in câu chuyện của một người mẹ già ở Hà Nội dẫn con trai hơn 30 tuổi đến phòng khám của mình. Người mẹ giới thiệu con trai bà là “thằng cu” mà nhờ “bác Lâm” đã được sinh ra và tiếp tục nhờ bà điều trị cho con trai mình. Thật tuyệt vời, bà đã giúp được cho hai thế hệ và gieo niềm vui sau bao nhiêu lo lắng và không ít nước mắt của gia đình họ.
Có những trường hợp nghẹn lòng hơn nữa khiến chính bà cũng bị ám ảnh. Bà nhớ đó là ngày trời mưa lạnh, người đàn ông khuyết tật lết đến nhà bà đưa vợ đi khám. Và bao nhiêu cảnh ngộ khác nữa đến với những giọt nước mắt hay những âu lo trên khuôn mặt khắc khổ. Chứng kiến bao câu chuyện về hành trình đi tìm hạnh phúc đầy ngọt ngào khi đem đến cơ hội được làm mẹ cho nhiều người phụ nữ, bà Ngọc Lâm thấy mình thật may mắn. Chia tay vị bác sĩ già, chúng tôi nhớ mãi câu nói của bà “sẽ làm công việc này đến khi không còn sức mới dừng lại”.
Nguyệt Nguyệt
Với rất nhiều người, hành trình đón con là cả quãng đường dài, gian nan và đầy nước mắt. Nhưng rồi họ may mắn tìm thấy “trái ngọt” sau chuỗi ngày mong mỏi, lo âu và đầy hi vọng ấy. Hãy lắng nghe những câu chuyện như thế – từ chính những người mẹ đã “đi từ nước mắt đến hạnh phúc” này – ở bài tiếp theo trên ChaMeCuaCon.com mẹ nhé!
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.