Đau nhói vùng tim
Theo khuyến cáo của chuyên gia, các cơn đau nhói ở ngực, đặc biệt là ngực trái, dù xuất hiện với tần suất nhiều hay ít thì cũng không nên xem thường. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm và phát hiện càng sớm sẽ càng tốt cho người bệnh.
Đau thắt ngực, đau nhói ở vùng tim có thể là do thiếu máu cơ tim. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở cả người trẻ. Cơn đau có thể lan sang cả 2 bên ngực, lên cổ và tay trái. Đặc biệt, cơn đau nhói dễ xuất hiện khi người bệnh quá xúc động hay hoạt động gắng sức.
Ngoài thiếu máu cơ tim, đau thắt vùng ngực cũng là một dấu hiệu của bệnh viêm cơ sụn. Viêm sụn sườn gây ra các cơn đau trước ngực, cảm giác đau nhói như dao đâm. Cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh cố gắng cử động hoặc hít thở sâu. Khi ấn vào vùng bị viêm, thường là xương sườn thứ 4, 5 và 6 sẽ có cảm giác đau.
Đặc biệt, cơn đau vùng ngực có thể còn là vấn đề của hệ thần kinh cao cấp. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn lo âu, trầm cảm, stress… Dấu hiệu đi kèm cơn đau là tình trạng mất ngủ, khó thở, hồi hộp.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ra các cơn đau nhói, đau thắt ngực. Tốt nhất, bạn nên đến bệnh viện để làm các xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm… để được chẩn đoán chính xác nhất.
Bầu vú
Phần lớn phụ nữ từng bị đau vú ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, đau ở mức độ như thế nào là bình thường, như thế nào là bất thường thì không phải ai cũng biết. Cơn đau có thể xuất hiện ở 1 bên hay cả 2 bên vú, ngắt quãng hoặc liên tục. Đau vú trong nhiều trường hợp không nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của u nang, nhiễm trùng vú hoặc áp xe vú.
Dù đau bầu vú là một tình trạng phổ biến và thường không nguy hiểm ở phụ nữ nhưng khi có một số dấu hiệu bất thường sau đây thì nó có thể là dấu hiệu của ung thư vú: nổi hạch dưới nách, có khối u ở ngực, tiết dịch núm vú, hình dạng núm vú, bầu ngực thay đổi bất thường… Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân.
Đau nhói nửa đầu
Những cơn đau nửa đầu xuất hiện bất chợt rồi hết trong vài ngày có thể là dấu hiệu của bệnh đau nửa đầu. Do cơn đau thường dịu dần khi nghỉ ngơi yên tĩnh, ăn uống đầy đủ chất nên nhiều người dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác và chủ quan trong điều trị.
Bệnh đau nửa đầu hay còn gọi là đau đầu Migraine xuất phát từ căn nguyên mạch máu não. Do sự co giãn bất thường của hệ thống mạch máu não một bên. Đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 – 72 giờ, thỉnh thoảng có kèm theo triệu chứng nôn, buồn nôn hoặc những cơn chóng mặt, mắt mờ.
Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, cơn đau theo chu kỳ có thể đau một nửa đầu bên này sau đó đau sang nửa đầu bên đối diện. Đôi khi bệnh có thể đau dữ dội làm người bệnh rất khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và hiệu suất làm việc và học tập của người bệnh. Đặc biệt, người bị đau nửa đầu nếu suy nghĩ căng thẳng và làm việc quá sức thì cơn đau càng tăng. Tình trạng sẽ giảm và dịu dần khi được nghỉ ngơi yên tĩnh.
Trong một số trường hợp, bệnh đau nửa đầu có diễn tiễn nguy hiểm, dẫn đến trầm cảm, đột quỵ, suy giảm thị lực, tai biến mạch máu não…
Đau nhói ở lưng và thắt lưng
Đau lưng và vùng thắt lưng là tình trạng khá phổ biến và hầu hết mọi người đều từng trải qua cảm giác này. Trong nhiều trường hợp, đau lưng chỉ là tình trạng tạm thời do ngồi, đứng quá lâu hoặc đơn giản là triệu chứng sắp đến kỳ “đèn đỏ” của phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân gây ra các cơn đau ở vùng thắt lưng khá nguy hiểm. Nó có thể là biểu hiện của viêm loét đường tiêu hóa, sỏi thận, kẹt dây thần kinh hay căng cơ quá mức.
Chính vì vậy, khi thấy bị đau nhói vùng thắt lưng trong thời gian dài, bạn chớ coi thường mà nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì các nguyên nhân trên đều có thể diễn biến nghiêm trọng. Để chẩn đoán được chính xác, các bác sĩ sẽ cần kiểm tra bằng xét nghiệm và thường bao gồm chụp X-quang.
Dương Thùy
Xem thêm video:Sẽ thế nào khi bạn gặp một cô gái trong nhà vệ sinh nam?