Những công nghệ giúp “vỗ về” giấc ngủ

Thời gian gần đây, trên thị trường Mỹ đã xuất hiện một số thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng đặc biệt, được quảng bá là giúp người sử dụng có được một giấc ngủ ngon hơn.

Đối với Lisa Hanson – một bà nội trợ ở thành phố San Francisco, “chiếc đồng hồ báo thức” của chị là đứa con mới bập bẹ. Mỗi sáng, bé thức dậy lúc 5 giờ 30 phút và bắt đầu làm ồn khiến chị phải choàng tỉnh. “Thế là cả buổi sáng tôi cứ bần thần vì bị đánh thức khi đang ngủ ngon nhất”, chị chia sẻ.

Tuy nhiên, tháng rồi Hanson bắt đầu sử dụng chương trình Renew SleepClock – một ứng dụng mới dùng cho điện thoại iPhone – để theo dõi giấc ngủ của mình. Nhà sản xuất GEAR4 cho biết ứng dụng này sử dụng các bộ cảm biến vô tuyến để đo nhịp thở và các cử động của người dùng vào ban đêm, sau đó sử dụng những thông tin đó để đánh thức họ dậy khi họ ngủ ở giai đoạn ít sâu nhất. Theo một nghiên cứu, khi được đánh thức ở giai đoạn này, người ta sẽ tránh được tình trạng ngây ngất và dật dờ vốn khiến họ chỉ muốn quay trở lại giường ngủ. Các nhà sản xuất cho rằng ứng dụng này cũng đóng vai trò như một “nhà tư vấn” giấc ngủ, chỉ cho bạn biết cần phải ngủ bao lâu và làm thế nào để chợp mắt nhanh nhất.

“Từ khi sử dụng nó, tôi thức dậy đúng thời điểm hơn và nhờ đó, tôi có một ngày thật tỉnh táo”, chị Hanson tiết lộ. Hiện Renew SleepClock, giá khoảng 199 USD, là ứng dụng mới nhất trong hàng loạt ứng dụng trên điện thoại thông minh được thiết kế để giúp người dùng cải thiện giấc ngủ.

Sau Renew SleepClock, hai sản phẩm khác cũng gây chú ý là WakeMate – một vòng đeo tay có khả năng truyền dữ liệu đến điện thoại – và Zeo Sleep Manager Mobile – một dải băng đeo đầu có bộ cảm biến giúp thu thập dữ liệu xung quanh thói quen ngủ của người dùng.

Điểm giống nhau của những thiết bị trên là cùng yêu cầu người dùng chọn một giai đoạn thời gian, kéo dài 20-40 phút, trong buổi sáng mà họ muốn được gọi dậy. Sau đó, thiết bị sẽ chọn ra thời điểm họ ngủ ít sâu nhất trong khoảng thời gian này để đánh thức họ dậy. Mỗi buổi sáng, các thiết bị này sẽ tiến hành “chấm điểm” giấc ngủ của người dùng, thông qua các yếu tố như số giờ ngủ, số lần bị giật mình, thời gian trải qua trong giai đoạn ngủ sâu và giai đoạn phục hồi của giấc ngủ.

Mặc dù vậy, các thiết bị trên cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế. Tiến sĩ David M. Rapoport – chuyên gia về giấc ngủ tại Khoa Y, Đại học New York – cho rằng những công cụ trên giúp đưa ra những thông tin chính xác và trung thực về giấc ngủ nên có ích cho chúng ta trong việc theo dõi và điều chỉnh giấc ngủ. Tuy nhiên, nó không đưa ra những lời tư vấn có ích và thích hợp cho người dùng. Ví dụ, các chương trình trên thường yêu cầu tất cả người dùng đều phải ngủ 8 tiếng/đêm nhưng thực chất nhu cầu ngủ của cơ thể mỗi người đều không giống nhau. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Rapoport cho rằng lý thuyết đánh thức một người khi họ đang trong giai đoạn ngủ ít sâu nhất sẽ giúp tránh mệt mỏi cũng chưa thật sự được thống nhất trong nhiều nghiên cứu.

 

Theo Báo Cần Thơ, nytimes