“3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” – dẫu biết đây là mốc phát triển và quy luật tự nhiên của con người nhưng sự xúc động, rưng rưng, niềm vui vỡ òa vẫn đến với các ông bố bà mẹ khi chứng kiến con mình chạm cột mốc nhỏ này. Rất nhiều ông bố bà mẹ còn coi đó là “thành tích” đáng tự hào trong giai đoạn đầu đời của con và lưu lại rất nhiều hình ảnh, khoảnh khắc về những dịp trọng đại đó. Cùng điểm lại những mốc quan trọng của bé mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng ghi nhớ nhé.
Cười mỉm
Sau 2 tháng học cách phân biệt ngày đêm và có đồng hồ sinh học hoạt động bình thường, mẹ sẽ được thấy nụ cười đầu tiên của bé. Thời điểm này bé bắt đầu có phản ứng cười lại với mẹ. Giọng nói dịu dàng cùng ánh mắt trìu mến của mẹ đủ để khiến bé mỉm cười mỗi khi nhìn thấy.
Cười to
Nếu như mẹ đã quá quen thuộc, đôi khi bị căng thẳng vì những tiếng khóc rất ghê gớm của bé, thì sang tháng thứ 4, bé sẽ làm mẹ bất ngờ và tràn trề hạnh phúc bởi những tràng cười giòn tan của mình. Mẹ chỉ cần làm mặt xấu, lè lưỡi hay chơi trò ú òa là bé có thể cười to ngay được. Giai đoạn này bé rất dễ cười nên nếu bé quấy khóc mẹ có thể dỗ bé dễ dàng bằng cách chọc cười bé nhé.
Ngủ liền mạch cả đêm
Đây có lẽ là tin vui đối với những ông bố bà mẹ thường xuyên ngủ không tròn giấc hoặc thức chong chong cả đêm trông con. Vào tháng thứ 4-6, hầu hết các bé đều có thể ngủ liền mạch cả đêm. Bố mẹ nên tận dụng cơ hội này để nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe cho mình.
Ngồi
Sang tháng thứ 5-6, bé sẽ biết ngồi với sự hỗ trợ của chiếc gối tựa đằng sau hoặc chiếc ghế. Đây là một bước ngoặt “vĩ đại” đối với bé vì bé được nhìn thế giới xung quanh bằng một góc nhìn khác, thay vì phải nằm một chỗ trên giường. Đến tháng 7-9, bé sẽ tự biết cách tự ngồi mà không cần phải tựa lưng vào đồ vật gì.
Bò
Bước sang tháng thứ 8, mẹ sẽ chẳng nhàn hạ nữa mà có khi còn toát mồ hôi chạy theo bé vì bé bò quá nhanh. Bé hào hứng khám phá đồ vật xung quanh nhà. Đến tháng 9, bé sẽ có thể bò bằng cả hai chân và tay. Có một số trường hợp bé “trốn” bò, chỉ trườn lên phía trước. Nếu như vậy mẹ cũng đừng lo vì bé vẫn đang phát triển bình thường.
Vẫy tay “bye bye”
Vẫy chào “bye bye” không chỉ là trò chơi của bé mà còn là cách giúp bé học ngôn ngữ đấy. Vào tháng thứ 9, hầu hết các bé đều thuộc lòng trò vẫy chào bye bye. Giai đoạn này bé bắt đầu có sự liên hệ giữa âm thanh, động tác và ý nghĩa lời nói. Bé hiểu rằng động tác vẫy có liên quan đến cụm từ “bye-bye” (tạm biệt).
Bốc thức ăn bằng tay
Từ tháng 9-12 bé bắt đầu biết tự cầm, nắm, bốc đồ ăn và đưa lên miệng. Đây là giai đoạn khám phá rất thú vị với bé, vì vậy mẹ hãy tạo điều kiện cho bé, chuẩn bị cho bé những món có thể bốc ăn nhé. Mẹ cũng lưu ý phải trông bé cẩn thận hơn vì khi bé học được kỹ năng này, bé cũng dễ bốc bất cứ đồ vật nào khác cho vào mồm, có thể gây hóc dị vật.
Đứng
Khi được 12 tháng tuổi, bé sẽ biết đứng mà không cần bám vào vật gì. Bé cũng có thể bám vào tường và đi men theo tường khám phá đồ vật xung quanh.
Bước đi
Đây là giai đoạn có ý nghĩa nhất với bé và cả gia đình, khi bé có thể tự bước những bước đi đầu tiên. Nhiều bố mẹ không khỏi rưng rưng xúc động khi nhìn tận mắt niềm vui của con khi tự bước đi mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ. Thông thường bé từ 9-17 tháng là có thể tự đi, hầu hết các bé biết đi vào tháng thứ 13.
Bi bô tập nói
Bé bi bô tập nói và mang đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho bố mẹ. Còn gì hạnh phúc hơn khi được nghe con gọi tên mình, dù có hơi bị ngọng nhưng vẫn đáng yêu dễ thương lắm. Một tuổi là giai đoạn hầu hết các bé có thể nói ít nhất một từ. Giai đoạn này bé cũng tập trung lắng nghe và bắt chước âm thanh. Vì vậy nếu muốn bé nhanh biết nói, mẹ nên thường xuyên nói chuyện với bé. Nói những câu đơn giản, dễ hiểu, nhìn thẳng vào mắt bé khi nói là một số mẹ giúp hai mẹ con thành công.
Việt Hà – Dịch từ WM
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.