Những dấu hiệu của một bác sĩ tồi mà các mẹ nên… tránh xa

Những dấu hiệu của một bác sĩ nhi tồi
Trong phim ảnh, những bác sĩ tồi thường được miêu tả với vẻ bề ngoài nhếch nhác và phòng khám lộn xộn, không vệ sinh. Nhưng thực tế thì thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế, còn có rất nhiều dấu hiệu để đánh giá một bác sĩ có đủ tài, đủ tâm hay chưa. Điều này vô cùng quan trọng, nhất là đối với bà bầu và các mẹ có con nhỏ vì thế hệ tương lai của chúng ta luôn cần được chăm sóc một cách tốt nhất.
Dưới đây là những biểu hiện của những “vị” bác sĩ chưa đủ kiến thức chuyên môn và y đức nghề nghiệp mà mẹ nên cân nhắc khi “chọn mặt gửi vàng”:
Những dấu hiệu của một bác sĩ nhi tồi
(Ảnh minh họa)
Thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm
Chẳng khó để nhận ra một bác sĩ thờ ơ, thiếu trách nhiệm và vô cảm. Chẳng hạn, khi mẹ đưa bé đến khám mà họ chỉ hỏi qua loa rằng cháu bé có những triệu chứng thế nào, sau đó kê đơn thuốc ngay cho bé, vậy là xong! Chắc hẳn bất cứ bà mẹ nào trong trường hợp đó đều sẽ cảm thấy hụt hẫng và khó chịu, hoang mang bởi lẽ ra, người bác sĩ đó cần trực tiếp xem xét bệnh tình của con, đo nhịp tim, đo nhiệt độ, vạch mắt, xem da,… chứ không chỉ chẩn đoán qua loa và kê đơn thuốc theo mô tả của người mẹ. Rõ ràng, thái độ làm việc như vậy là cẩu thả, qua quýt và vị bác sĩ đó thực sự thiếu trách nhiệm.
Thiếu kiến thức chuyên môn
Kiến thức chuyên môn gắn liền với hiệu quả chữa bệnh. Một bác sĩ chuyên khoa nhi cần được học tập bài bản ở khoa nhi, một bác sĩ sản cần được đào tạo kiến thức và kĩ năng chuyên sâu ở khoa sản,… với bằng cấp, giấy phép phòng khám và nhiều yếu tố liên quan khác như uy tín hành nghề và mức độ chuyên sâu của ngành nghề như nội khoa, ngoại khoa, hay da liễu,…
Không đưa ra chỉ dẫn và lời khuyên
Cũng giống như thái độ làm việc thờ ơ, bác sĩ chỉ kê thuốc theo đơn mà không đưa ra chỉ dẫn điều trị cũng là một bác sĩ tồi. Đối với bà bầu, trẻ nhỏ, thái độ làm việc này còn ảnh hưởng lớn hơn bởi cơ thể phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém hơn người lớn, việc dùng sai thuốc và uống thuốc không đúng liều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của em bé. Do đó, dựa vào thái độ làm việc bất cẩn này, tốt nhất bạn nên tìm đến một bác sĩ khác để yên tâm hơn khi khám và điều trị bệnh.
Những dấu hiệu của một bác sĩ nhi tồi
(Ảnh minh họa)
Làm lãng phí thì giờ của người khám bệnh
Ngoài các vấn đề về chuyên môn, một bác sĩ nhi tốt phải là người tâm lý, hiểu được những khó khăn và bất tiện của các mẹ khi đến bệnh viện khám và chữa bệnh cho bé. Trong đó, vấn đề về thời gian là trở ngại lớn đối với nhiều bà mẹ văn phòng. Chắc chắn các bệnh viện công sẽ luôn đông người khám bệnh cả tuần, trong khi phát hiện ra vấn đề sức khỏe của con, bà mẹ nào cũng phải cấp tốc đưa con đi khám nhanh nhất có thể. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, họ phải nghỉ làm để đưa con đi chữa bệnh trong một buổi sáng hoặc cả ngày trời.
“Ngán ngẩm” nhất là khi phải ngồi đợi dài cổ chỉ để thắc mắc rằng, “không hiểu bác sĩ làm gì trong đó mà lâu thế, tại sao người đến trước lại khám sau, tại sao không sắp xếp lịch khám khoa học hơn,…”. Thực tế, nếu việc hẹn giờ khám bị kéo dài mà tình hình vẫn có thể sắp xếp được, có nghĩa là chắc chắn bạn đã gặp phải một vị bác sĩ nhi tồi. Nỗi khổ lúc này chỉ có các bà mẹ bế con nhỏ đến bệnh viện rồi ngồi chờ mới có thể hiểu được thôi.
Không có thâm niên nghề nghiệp
Thâm niên nghề nghiệp của bác sĩ nhi sẽ giúp các mẹ phần nào yên tâm về hiệu quả khám và chữa bệnh cho con. Tốt nhất, các mẹ nên tìm đến các bác sĩ nhi có uy tín, có người quen giới thiệu hoặc tham khảo thông tin của phòng khám, cơ sở y tế đó trước khi đi. Còn đối với các sinh viên y khoa thực tập hay địa chỉ y tế không rõ ràng, các mẹ nên bỏ qua. 
Nguyễn Mai Nguồn: BC
(Theo Congluan)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.