Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Tự nhiên (Nature) của Anh, nhóm các nhà khoa học thuộc trường ĐH Princeton (Mỹ) cho biết ngoài khả năng định vị bằng âm thanh, loài dơi nâu lớn (tên khoa học là Eptesicus fuscus) còn có “la bàn” từ tính bên trong cơ thể, giúp định hướng chính xác đường bay về tổ.
Các nhà khoa học đã sử dụng một dụng cụ thu nhận sóng vô tuyến để theo dõi quá trình bay về tổ của loài dơi trên. Những chú dơi “tham gia thí nghiệm” được thả ở một vị trí cách tổ của chúng khoảng 20 km và được chia thành những nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất được để bay trong điều kiện từ trường bình thường đã xác định đúng hướng về tổ. Trong khi đó, hai nhóm khác được để bay trong điều kiện từ trường giả đã không tìm được đường về. Phát hiện này khẳng định việc loài dơi đã sử dụng “la bàn từ tính” tự nhiên của cơ thể để xác định đúng hướng bay.
Tạp chí Tự nhiên còn đăng một nghiên cứu khác cho thấy loài dơi hút mật mang tên Anoura fistulata sống tại khu rừng Andes của Ecuador, có chiều dài lưỡi là 85 mm, dài hơn cơ thể của chúng 1,5 lần. Loài dơi có kiểu lưỡi kỳ lạ này thường hút mật hoa nằm sâu trong cuống hoa, do đó chúng không chỉ sống nhờ vào mật hoa mà còn giúp thụ phấn cho hoa.
Dơi nâu lớn – Eptesicus fuscus (ảnh: amnh.org)
Theo TTXVN, Tuổi trẻ