Do chuyển động tự quay của Trái đất quanh trục, các ngôi sao luôn thay đổi vị trí trên bầu trời, mọc và lặn. Tuy nhiên trục quay của Trái đất lại hướng thẳng về phía sao Bắc Cực làm nó có vẻ không bao giờ di chuyển.
Sao Bắc Cực cách Trái đất 434 năm ánh sáng và sáng gấp 4.000 lần Mặt trời. Nó là ngôi sao sáng thứ 48 trên bầu trời và có cấp sao biểu kiến là 2,02.
Cấp sao biểu kiến là con số biểu thị độ sáng của một ngôi sao khi nhìn thực tế từ Trái đất. Cấp sao càng nhỏ thì sao càng sáng. Mặt trăng và Sao Kim có cấp sao âm.
Theo các nhà thiên văn, hiện tượng tiến động (sự lắc lư của trục Trái đất) làm trục Trái đất đổi hướng hàng năm. Trong khoảng 500 năm nữa, nó sẽ không còn hướng tới sao Bắc Cực nữa.
Sao Bắc Cực là một sao xung biến quang kiểu Cepheid. Nó co lại và giãn ra, thay đổi độ sáng theo chu kỳ vài ngày. Điểm nhỏ mà ta thấy bằng mắt thường của nó chính là ánh sáng tổng hợp đến từ hệ 3 ngôi sao quay quanh một trọng tâm chung.
Ngôi sao thứ nhất Polaris A là một sao siêu khổng lồ nặng gấp 6 lần Mặt trời. Ngôi sao đồng hành thứ hai Polaris Ab quay quanh nó với khoảng cách 2 tỷ km. Ngôi sao thứ ba Polaris B thì cách chúng xa hơn nữa.
Sao Bắc Cực thực ra là một hệ gồm ba ngôi sao quay quanh một trọng tâm chung.
Sao Bắc Cực ở Việt Nam thường bị nhầm với “sao Bắc Đẩu”.
Bắc Đẩu thực ra là một chòm sao trong thiên văn học cổ phương Đông, gồm 7 ngôi sao sáng (Bắc Đẩu thất tinh), chính là 7 ngôi sao hình cán gáo thuộc chòm sao Gấu Lớn.
Vì nằm gần sao Bắc Cực và dễ nhận ra, người xưa thường dùng chòm sao này để tìm ra sao Bắc Cực (bằng cách kéo dài cạnh ngoài cái gáo thêm 5 lần sẽ tới sao Bắc Cực) để xác định hướng Bắc.
Theo Kienthuc