Khi tìm thấy người ngoài hành tinh, các nhà khoa học sẽ phải tuân theo những quy trình nhất định.
Chúng ta sẽ làm gì khi gặp được người ngoài hành tinh?
Nhận được tín hiệu từ người ngoài hành tinh – chúng ta sẽ làm gì
Trên thực tế, chúng ta có hẳn một bộ quy tắc ứng xử khi tìm thấy nền văn minh ngoài Trái đất được đưa ra vào năm 1989. Bộ nguyên tắc này được Viện hàn lâm Quốc tế về Du hành vũ trụ soạn thảo với hi vọng một ngày nào đó họ sẽ có cơ hội sử dụng chúng.
Theo đó, bất cứ khi nào phát hiện ra một tín hiệu có khả năng từ một hành tinh ngoài hệ Mặt trời, những nhà thiên văn học sẽ liên lạc với các đài thiên văn hoặc các tổ chức nghiên cứu để xác nhận hai điều: liệu tín hiệu có tồn tại và nó có đến từ một nền văn minh khác.
Nỗ lực lớn của con người để tìm ra sự sống ngoài Trái đất.
Nếu tín hiệu có băng tần hẹp khác hẳn với những nhiễu xạ trong vũ trụ, điều đó có nghĩa – đây là tín hiệu có chủ ý. Rất có thể, tín hiệu này thuộc về một nền văn minh ngoài Trái đất.
Sau khi những nhóm này xác nhận hai điều trên, các nhà thiên văn học sẽ thông báo cho chính quyền nước sở tại. Họ cũng sẽ gửi email từ Liên minh Thiên văn Quốc tế tới các đài thiên văn trên toàn thế giới.
Bộ nguyên tắc ứng xử cũng đề cập về Hiệp ước Vũ trụ (1967) của Liên Hợp Quốc. Theo Hiệp ước, Liên Hợp Quốc phải được thông báo về những phát hiện ngoài vũ trụ.
Sau khi hoàn thành tất cả những điều trên, nhà thiên văn học tìm ra tín hiệu sẽ được ưu tiên công bố thông tin ra công chúng.
Chúng ta đã bao giờ nhận được tín hiệu ngoài Trái đất?
Vào năm 1997, đài thiên văn Green Bank tại miền Tây Virginia (Mỹ) đã bắt được một vài tín hiệu bất thường. Nhà thiên văn Seth Shostak tại Trung tâm tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất (SETI) thuộc Mountain View, California đã tin rằng đây là tín hiệu từ một nền văn minh ngoài Trái Đất.
Đài thiên văn vô tuyến Green Bank, Virginia (Mỹ)
“Có vẻ như chúng tôi đã tìm thấy điều gì đó” – Shostak cho biết. Tuy nhiên, họ đã quá vội vã mà bỏ qua rất nhiều điều trong bộ quy tắc này. Chỉ trong vòng vài giờ, báo chí ở khắp mọi nơi đều đã biết tin và thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng.
Thế nhưng chỉ trong ngày hôm đó, người ta lại phát hiện ra đó là tín hiệu từ một vệ tinh của châu Âu. Sự kiện này đã khiến cho SETI mất khá nhiều uy tín, còn dư luận thế giới thì được một phen… “mừng hụt”.
Nhưng dù vậy, Shostak khẳng định rằng sự nhầm lẫn này lại chính là một lượt tập rượt vô cùng giá trị cho những nhà thiên văn học trước khi họ đương đầu với tình huống thật.
Ý tưởng về dự án dài hơi tìm kiếm sinh vật ngoài Trái đất
Vào cuối tháng 10/2015, dự án Tàu du hành 100 năm (100YS) do NASA thành lập dành cho cuộc du hành giữa các vì sao trong vòng 100 năm tới sẽ thảo luận về bài học rút ra từ sự cố năm 1997.
Với sự phát triển của khoa học, chúng ta ngày phát hiện ra nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Con số này càng tăng lên thì xác suất tìm thấy hành tinh giống Trái đất càng cao.
Ước tính có khoảng 140 hành tinh có thể tồn tại sự sống, cách Trái đất khoảng trong vòng 33,6 năm ánh sáng, trong đó có Kepler-452b – hành tinh được xem là “người anh em song sinh của Trái đất”.
Các nhà khoa học tin rằng chúng ta có thể tìm thấy “phiên bản 2.0 của Trái đất” khác trong vòng 25 – 30 năm tới nhưng ở một khoảng cách gần hơn so với Kepler-452b.
Kepler 452b – người anh em song sinh của Trái đất.
Jill Tarter, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu SETI nhấn mạnh: điều quan trọng nhất là ta phải xác định tín hiệu nhận được có phải từ một hệ bên ngoài hệ Mặt Trời hay không.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra thông báo chính thức “mọi thứ phải được kiểm tra kỹ càng và độc lập” để không làm mất uy tín của SETI.
Phát hiện sinh vật ngoài Trái đất nên vui hay buồn?
Mặc dù chúng ta cần thật sự thận trọng trong nguồn tin tức nhưng Shostak tin rằng, thông tin thường sẽ bị rò rỉ trước khi có thông báo chính thức.
Shostak nói: “Những quy tắc ứng xử này thực chất cũng mang tính chất… viễn tưởng. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể kiểm soát được truyền thông khi có những thông tin như vậy”.
Sinh vật ngoài hành tinh có thể là mối đe dọa với loài người, hay là hi vọng cho tương lai tươi sáng?
Ngoài ra theo Paul Ziolo – giáo sư tâm lý học thuộc ĐH Liverpool (Anh), phản ứng của dư luận sẽ trở nên thật khó lường. Ông cho rằng dư luận sẽ có nhiều phản ứng trái chiều, từ vui sướng đến cả tuyệt vọng: “Đối với vài người, người ngoài hành tinh có thể là sự đe dọa. Nhưng với một số khác đó lại là những vị thánh mà họ vẫn mong đợi”.
Còn đối với Tarter, bất kì phát hiện về sự sống ngoài Trái đất đều cho chúng ta thêm hy vọng về tương lai của chính loài người: “Nếu chúng ta thành công trong việc tìm kiếm người ngoài hành tinh, thì điều này đồng nghĩa với việc nền văn minh công nghệ có thể tồn tại trong thời gian dài”.
*Bài viết thể hiện quan điểm của nhà khoa học Seth Shostak thuộc Trung tâm tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất (SETI) đăng trên The Atlantic.
Theo Trí Thức Trẻ