Mang thai là hành trình kỳ diệu với biết bao sự thay đổi để một mầm sống bé nhỏ dần hoàn thiện hình hài và chào đời thuận lợi. Còn đối với những mẹ mang thai đôi, có tận hai mầm sống trong bụng mình, thì những lo lắng, bất an, những đêm mất ngủ, những lần buồn nôn còn tăng lên gấp bội. Khó khăn tăng lên nhưng niềm vui và hạnh phúc lại nhân đôi. Nếu may mắn được mang song thai, mẹ bầu hãy chú ý đến những điều sau nhé.
1. Sinh đôi cùng trứng và sinh đôi khác trứng
Có hai trường hợp sinh đôi, một là sinh đôi cùng trứng (hay còn gọi là sinh đôi thực), hai là sinh đôi khác trứng (hay còn gọi là sinh đôi giả). Sinh đôi cùng trứng là hiện tượng một trứng thụ tinh tách làm đôi ở giai đoạn đầu phát triển, mỗi nửa ấy lại phát triển thành một phôi riêng rẽ, tạo thành 2 em bé. Trẻ sinh đôi cùng trứng bao giờ cũng cùng giới tính.
Sinh đôi khác trứng có nghĩa là người mẹ rụng hai trứng cùng một lúc. Hai trứng này lại được thụ tinh với hai tinh trùng khác nhau của người bố. Hai trứng sau khi thụ tinh phát triển thành hai phôi khác nhau. Vì lý do này mà trẻ sinh đôi khác trứng không giống nhau hoàn toàn như trẻ sinh đôi cùng trứng. Trẻ sinh đôi khác trứng có thể cùng giới tính hoặc khác giới tính.
2. “Gen sinh đôi”
Song sinh đồng trứng là kết quả của sự phân tách trứng ngẫu nhiên, nên không có gì để đề cập đến. Còn nếu bạn mang thai song sinh khác trứng, nhiều khả năng bạn được thừa hưởng “gen sinh đôi” từ một thành viên nào đó trong gia đình. “Gen sinh đôi” gây ra hiện tượng siêu rụng trứng, khiến phụ nữ rụng nhiều hơn 1 trứng so với thông thường. Nếu cả hai trứng cùng rụng và cùng được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau, bạn sẽ mang song thai khác trứng.
3. Mẹ mang song thai nghén nặng hơn
Mẹ mang song thai chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các mẹ mang đơn thai bình thường. Mang song thai đồng nghĩa lượng hormone sản xuất nhiều hơn. Lượng hormone hCG (hormone được sản xuất trong nhau thai của mẹ bầu) đặc biệt cao ở những mẹ mang song thai, đây cũng là loại hormone gây nên tình trạng nôn và buồn nôn. Bởi thế mẹ mang song thai nghén nặng hơn, tuy nhiên thời gian nghén chỉ kéo dài đến tuần thứ 12-14 của thai kỳ.
4. Trẻ sinh đôi có sự gắn kết ngay từ khi ở trong tử cung
Những cặp sinh đôi thường có sợi dây gắn kết kỳ lạ và mối liên hệ bí ẩn không thể giải thích rõ ràng được. Từ sở trường, sở đoản, cách ứng xử, quan niệm, lối sống của các cặp song sinh đều đồng điệu và liên quan đến nhau. Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng mối liên hệ bền chặt giữa các cặp song sinh được hình thành từ rất sớm, khi cả hai vẫn còn ở trong bụng mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy các cặp song sinh biết giao lưu, tiếp xúc, chạm vào nhau khi bước sang tuần thai thứ 14. Cho đến nay sự gắn kết diệu kỳ này vẫn là điều bí ẩn và khiến nhiều người ngưỡng mộ trước tình cảm của hai cá thể “tuy hai mà một” này.
5. Mẹ mang song thai cần nhiều calo và dinh dưỡng hơn, nhưng lại không được phép ăn nhiều
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng mẹ mang song thai không có nghĩa là phải ăn cho cả 3 người. Mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vi chất đầy đủ. Mẹ mang đơn thai cần bổ sung khoảng hơn 300kCal mỗi ngày, đối với mẹ mang song thai, con số này là 500-600 kCal/ ngày. Mẹ mang thai đôi có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn, mẹ cũng cần bổ sung nhiều axit folic để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ.
6. Trẻ sinh đôi phát triển khác nhau
Trẻ sinh đôi có thể có sự chênh lệch về cân nặng, chiều dài xương đùi, các thông số sức khỏe khác… Mẹ cũng không nên quá lo lắng, chỉ cần tuân thủ đúng lịch hẹn khám và siêu âm định kỳ để theo dõi sát sự phát triển của 2 thai nhi trong bụng. Mẹ mang thai đôi sẽ phải siêu âm, làm các xét nghiệm nhiều hơn so với mẹ sinh thai đơn, nhằm tầm soát các vấn đề thai kỳ và hạn chế nguy cơ sinh non, sảy thai.
7. Lựa chọn sinh thường hay sinh mổ
Ca sinh đôi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và rủi ro hơn ca sinh thông thường. Phần lớn các ca sinh đôi đều sinh bằng phương pháp mổ lấy thai, chỉ có tỷ lệ rất thấp các ca sinh theo phương pháp đẻ thường. Dựa vào tình trạng thai kỳ, sự phát triển của thai nhi mà mẹ có thể đưa ra lựa chọn sinh thường hay sinh mổ. Nếu mẹ sinh đôi khác trứng, mỗi thai nhi sẽ có màng ối và nhau thai riêng. Bác sỹ cũng sẽ dựa vào vị trí thai nhi và một số thông số y khoa khác để đưa ra lời khuyên có nên sinh thường hay không.
Nếu mẹ sinh đôi cùng trứng, sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của mẹ. Vì hai em bé cùng chung màng ối và nhau thai, nên lựa chọn sinh mổ sẽ an toàn hơn cho cả 3 mẹ con.
Trường hợp mẹ lựa chọn sinh mổ, hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt, lựa chọn bác sỹ mổ và bệnh viện uy tín, tìm hiểu trước về phương pháp này để tránh bị nhiễm trùng vết mổ hoặc các tác dụng phụ khác. Sau ca sinh mổ, cố gắng để hai con có được “cái ôm đầu tiên” – phương pháp da tiếp da này sẽ có lợi rất nhiều cho hai bé và tăng tình cảm mẹ con, giúp mẹ về sữa nhanh hơn.
8. Chuẩn bị tâm lý đẻ non
Theo thống kê, có tới 60% cặp song sinh được chào đời sớm, trước 37 tuần. Trong khi các bà mẹ mang thai đơn thường đẻ từ tuần 38-40, thì các mẹ mang song thai phải đối mặt với nguy cơ đẻ non. Trẻ đẻ non thường nhẹ cân và gặp một số vấn đề về hô hấp, cần được chăm sóc đặc biệt hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Việt Hà – Dịch từ BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.