Những điều thú vị về robot (phần cuối)

Những điều thú vị về robot (phần cuối)

8 tuần liền tại một nhà dưỡng lão, những người già được chú chó thật Sparky hoặc chó robot Aibo viếng thăm. Khi vuốt ve Aibo, nó sẽ vẫy đuôi và nhấp nháy đèn. Sau thí nghiệm, các cụ già yêu mến cả hai con chó, họ ít cô đơn hơn.
> Phần 1

“Đáng ngạc nhiên nhất là gần như không có sự khác biệt giữa các hiệu quả tốt của cả hai con chó”, nhà tâm lý học người Mỹ Williams Banks của Đại học St. Louis, nói. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng robot không bắt buộc phải có vẻ ngoài giống con người khi chúng muốn gây ấn tượng.

Ngược lại: “Robot sẽ mãi mãi khác biệt với con người và thú vật”, bà Breazeal nói. “Tại sao chúng ta lại cần phải chế tạo một robot có vẻ ngoài và phản ứng giống như cái mà nó vĩnh viễn không trở thành được?” Chính bởi vì những robot như Leonardo có vẻ ngoài khác đi, nhìn rất thú vị mà chúng rất có giá trị cho cuộc sống của chúng ta. “Robot chỉ phải chứng tỏ có cá tính riêng biệt một cách đáng tin được”, bà Cynthia Breazeal nói. “Điều đó không cần phải giống y như thật.”

Những điều thú vị về robot (phần cuối)

Chó Aibo và chó thật. (Ảnh: inf.ed.ac.uk.)

Dưới mắt của nhà nghiên cứu robot người Nhật Masahiro Mori chính việc chế tạo robot ngày càng giống người mới thật sự là tiềm ẩn nguy cơ. Ngay từ 1970 ông Mori đã xây dựng giả thuyết của “thung lũng kỳ bí”: Khi một robot rất giống một con người thật nhưng cung cách đối xử lại không giống 100% như người đó thì quan hệ sẽ có nguy cơ thất bại cao. Thí dụ như khi robot hoàn hảo chỉ còn thiếu nụ cười trong mắt thì việc này sẽ làm cho nó dường như trở nên kỳ bí – gần như là một thây ma sống lại. Ghê tởm chính là hậu quả.

Nhưng khi bà Kerstin Dautenhahn nghiên cứu vẻ ngoài của robot như thế nào là tốt nhất thì lại thấy có nhiều khác biệt đối với những người khác nhau. Theo đó, những người tham gia thí nghiệm có tâm lý hướng ngoại ưa thì chuộng một robot giống người hơn, đối diện họ với nét mặt của con người và nói một giọng nói quen thuộc. Người hướng vào nội tâm thì cảm nhận dễ chịu hơn khi được phục vụ bằng một robot còn mang nhiều dáng vẻ cứng nhắc.

“Không tránh khỏi sex với robot”

“Robot trong tương lai sẽ giống con người về dáng vẻ bên ngoài, chức năng và cá tính đến mức người ta sẽ yêu nó”, David Levy chuyên gia về robot viết trong quyển sách “Love and Sex with Robots”. Cuối cùng thì phần lớn những lý do làm cho hai con người yêu nhau đều có thể được lập trình – thí dụ như có cùng hiểu biết, cá tính giống nhau hay tình cảm được đáp lại.

Thêm vào đó, nhờ vào trí thông minh nhân tạo mà robot có thể đối xử như thể nó đã trải qua toàn bộ những kinh nghiệm của con người. “Vì thế mà không tránh khỏi sex với robot”, Levy kết luận. Việc này rất đáng để cho hằng triệu người quan tâm, những người có vấn đề trong việc tạo một quan hệ tình cảm với những người khác.

Bà Kerstin Lautenhahn thì không thể tiếp nhận quan điểm này. “Người ta không thể lừa dối con người rằng robot có cảm xúc”. Việc một ngày nào đó một cỗ máy có thể nói những câu như “Anh rất yêu em” đối với bà là một viễn tưởng đầy kinh dị.

“Chúng ta đừng nên tự hỏi rằng liệu robot sẽ có khả năng yêu chúng ta hay không, mà nên hỏi rằng tại sao chúng ta lại muốn được robot yêu”, bà Sherry Turkle cũng nói. Nhà nữ xã hội học cũng còn nhìn thấy nhiều câu hỏi chưa được giải đáp: Những đứa bé ngày nay đang lớn lên với robot sẽ phát triển như thế nào?

Bạn bằng thép trong nhà trẻ

Năm vừa qua, khi những đứa bé trong nhà trẻ tại Mỹ có một bạn chơi đùa mới, chúng đã kết bạn với nó không hề có vấn đề gì, mặc dù nó không phải là người. Các nhà nghiên cứu của Đại học California tại San Diego đã mang Qrio đến, một robot cao 60 cm biết nhảy múa. Những đứa bé trong độ tuổi từ 18 đến 24 tháng chấp nhận cỗ máy một cách nhanh chóng – đặc biệt là khi nó bắt đầu cười khi được xoa đầu.

Sau 5 tháng những đứa bé này đối xử với Qrio như một bạn đồng lứa tuổi chứ không phải như một món đồ chơi, lãnh đạo dự án, Fumihide Tanaka, thuật lại. Khi robot ngã xuống đất vì hết năng lượng, các đứa bé tìm cách lay nó dậy hay đắp chăn cho nó, giống như chúng cũng làm với những đứa bé khác.

“Mối nguy hiểm là ở chỗ trẻ con không còn có thể phân biệt được quan hệ tình cảm giữa người hay với robot được nữa”, bà Sherry Turkle cảnh báo. Hay là chúng sẽ thích sự giao tiếp đơn giản không có mâu thuẫn với robot hơn là tiếp xúc với con người.

Một nữ sinh viên được bà Turkle phỏng vấn đã thuật lại không che dấu rằng cô sẽ “đổi” ngay tức khắc người bạn trai để lấy một robot Nhật tinh vi về kỹ thuật, nếu như nó một ngày nào đó có được “lối đối xử âu yếm”. Cô thích một bầu không khí ân cần sốt sắng trong nhà. Nếu như robot có thể bảo đảm được điều đó, cô sẽ tự đưa mình vào ảo tưởng là nó sẽ chăm sóc cho cô.

“Có khả năng những mối quan hệ giữa người với người một ngày nào đó bị xem là quá cực nhọc hay không?” bà Turkle hỏi. Rằng con người cảm thấy thiếu một nút tắt ở người cùng chung sống? Khi con người tạo những mối quan hệ tình cảm thật với những vật nhân tạo không chết đi và không bao giờ phải mang vết thương trong lòng vì mất chúng thì điều đấy có nghĩa gì cho xã hội?

Ngay chính bà Turkle cũng phải thừa nhận rằng sẽ rất khó cưỡng lại được những máy tính nhân tạo đó. Mặc dù vậy những tình cảm trái ngược cùng tồn tại bên nhau của cuộc sống, toàn bộ những cảm xúc từ hân hoan cực độ đến đau buồn sâu sắc là những cái mà một cỗ máy không bao giờ có thể mang đến con người được. Không một cuộc cãi nhau nhỏ bên bàn ăn, không một lần chạm tình cờ lúc xem truyền hình, không một chuyến du lịch ngẫu hứng là thiếu đi nhiều màu sắc chuyển tiếp của cuộc sống. “Tất nhiên là robot xã hội sẽ có tầm quan trọng trong tương lai”, bà Sherry Turkle tin như vậy. “Nhưng chúng ta cũng phải tự biết rõ rằng chỗ đứng của nó là ở đâu”. Cũng có thể là ở trên kệ. Đã bấm nút tắt.

 

Theo Phan Ba (theo Süddeutsche Zeitung, VnExpress)