Những “đốm lửa” đáng sợ trong lòng đại dương

Những

Nhím lửa hay còn gọi là nhím đỏ, có pháp danh khoa học Fire sea urchin, chúng là những “đốm lửa” nhỏ và là “sát thủ khôn lường” đáng sợ trong lòng đại dương sâu thẳm.

Nhím lửa được tìm thấy nhiều ở khu vực biển đa dạng sinh học là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nó được phát hiện và miêu tả và năm 1778, bởi nhà sinh vật học người Đức Gottfried Nathaniel Leskel.

Nhím lửa có khích thước một quả bóng rổ với đường kính trung bình từ 18 – 20cm. Toàn thân nhím lửa mọc tua tủa những chiếc gai nhọn ngắn, dài xen kẽ, và phân rãnh như hình chữ V đều đặn. Phần rãnh phân chia các múi gai được trang trí bởi một dãy hạt “cườm” nhấp nháy với màu sáng xanh óng ánh. Toàn thân nhím lửa rực lên màu sắc vô cùng bắt mắt hòa trộn như hồng, đỏ, xanh, nâu…

Nhím lửa thường sinh sống ở độ sâu 10 – 30m, tối đa là 70m. Phạm vi sống từ bờ biển châu Phi đến vùng biển của Hawaii và Úc. Chúng có mặt nhiều ở khu đầm, vịnh, nơi có nền cát, đá cuội nhỏ hoặc san hô. Nhím lửa sống theo từng nhóm lên tới vài chục con thậm chí hàng trăm con.

Món ăn ưa thích của loài này là tảo biển, các loài cá nhỏ và những sinh vật khác. Chúng thường dùng khả năng phát sáng và màu sắc rực rỡ về đêm để thu hút con mồi. Những chiếc gai tưởng như vô hại, nhưng chứa nọc độc kinh người. Nọc độc của chúng làm tê liệt và giết chết cả một con rùa biển, thậm chí cả con người nếu vô tình dẫm phải chúng.

Nhím lửa lặng lẽ nằm yên một chỗ tựa như bông hoa hiền lành, vô hại, nhưng khi con mồi lại gần, chúng dùng tất cả các xúc tua phóng nọc độc đến khi con mồi tê cứng. Chúng dùng những chiếc răng sắc nhọn xé nát và ung dung thưởng thức con mồi.

Nhím lửa trưởng thành sẽ phóng trứng và tinh trùng vào nước để thực hiện quá trình sinh sản. Trứng được thụ tinh ở môi trường bên ngoài và phát triển thành ấu trùng. Một nhím lửa đẻ ra hàng ngàn quả trứng nhỏ mỗi lần. Tuy nhiên, không nhiều trứng trở thành ấu trùng và phát triển thành con non. Trứng của nhím lửa trôi lơ lửng trong nước và là miếng mồi béo bở cho các loài cá nhỏ và nhiều sinh vật khác trong lòng đại dương.

 

 

Theo VTC