Những động vật có thể biến mất vĩnh viễn từ nay

Tình trạng săn bắt trái phép quá mức hay phá rừng có thể đẩy nhiều loài động vật đến bờ tuyệt chủng trong năm nay.

Báo hoa mai Amur bị săn bắn chủ yếu để lấy lông. Đây được coi là loài mèo lớn (động vật trong chi Báo thuộc họ Mèo) hiếm nhất và gặp nguy hiểm nhất thế giới. Chúng sống dọc khu vực biên giới giữa vùng Viễn Đông của Nga và đông bắc Trung Quốc. Ngày nay, chỉ còn khoảng 30 cá thể trong môi trường hoang dã. (Ảnh: Wikicommons)

Sumatra là loài voi châu Á có kích thước nhỏ nhất. Số lượng voi đã giảm đến 80% trong vòng chưa đầy 25 năm qua vì rừng bị tàn phá, môi trường sống hạn hẹp dần và tình trạng xung đột ở khu vực Sumatra, Indonesia. Hiện chỉ có khoảng 2.400-2.800 cá thể voi còn sống. Ngà voi đực có kích thước tương đối nhỏ, nhưng những tay săn bắt vẫn giết voi lấy ngà và buôn bán bất hợp pháp. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách chênh lệch giới tính và khiến khả năng duy trì nòi giống ngày càng giảm. (Ảnh: Wikicommons)

Tê giác Java là một trong 5 loài động vật guốc lẻ còn sống sót thuộc họ Tê giác. Thợ săn giết tê giác để lấy sừng và coi đây là một phương thức để bào chế thuốc chữa bệnh. Một quần thể chỉ có 35 con hiện sống trong Công viên Quốc gia Ujung, Indonesia. (Ảnh: Wikipedia)

Cá heo không vây còn được gọi là “gấu trúc khổng lồ” dưới nước. Sinh vật thông minh này là một trong những loài nổi tiếng nhất được tìm thấy ở sông Dương Tử, Trung Quốc. Việc đánh bắt quá mức, suy giảm nguồn thức ăn, ô nhiễm nước là các yếu tố khiến số lượng loài hiện chỉ còn 1.000-1.800. Cá heo sông Dương Tử, họ hàng với chúng, được tuyên bố đã tuyệt chủng về chức năng, nghĩa là chỉ còn một số cá thể nhưng không sinh sản được. (Ảnh: Wikicommons)

Rùa da hay rùa luýt là loài rùa biển lớn nhất và là loài bò sát lớn thứ 4 sau ba loài cá sấu. Số lượng rùa giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây vì bị săn bắt quá mức, đánh cắp trứng, mất môi trường sống và sự mở rộng của những vùng ven biển. (Ảnh: Wikipedia)

Khỉ đột đồng bằng phía tây bị giết để lấy thịt. Những con khỉ đột nhỏ thì bị bắt và nuôi như thú cưng trong nhà. Dịch bệnh Ebola cũng đã khiến số lượng khỉ đột và tinh tinh ở rừng Minkebe, Gabon, giảm 90%. (Ảnh: Wikipedia)

Là một trong những loài động vật biển hiếm nhất thế giới, cá heo California đang bên bờ tuyệt chủng khi chỉ còn chưa đến 100 con. Cứ 5 con cá heo thì một con bị vướng vào các lưới có nắp mang, vốn dùng để bắt cá totoaba. (Ảnh: NOAA)

Hổ Siberia được mệnh danh là “Chúa tể của rừng Taiga”, hay còn có tên gọi khác là hổ Amur, hổ Mãn Châu. Chúng bị săn bắt để phục vụ nhu cầu làm thuốc truyền thống ở Trung Quốc và bán ở chợ đen. Nạn săn bắt, hoạt động khai thác mỏ, cháy rừng, tàn phá rừng hay hạn chế quy định pháp luật là những nguyên nhân đe dọa số lượng loài, vốn chỉ còn 400 – 500 con trong tự nhiên. (Ảnh: Wikipedia)

Khỉ đột núi sống ở dãy núi Virunga (biên giới ba nước Uganda, Rwanda và Congo) và Công viên Quốc gia Bwindi ở Uganda. Nạn săn bắt, phá hủy môi trường sống, dịch bệnh và sản xuất than là nguyên nhân khiến số lượng loài suy giảm. (Ảnh: Wikicommons)

Đười ươi Sumatra đang biến mất dần do tình trạng cháy rừng, sự phát triển của rừng cọ lấy dầu, khai thác gỗ bất hợp pháp và hoạt động nông nghiệp khác. Chúng còn bị săn bắt để lấy thịt và nuôi nhốt. Chỉ còn khoảng 7.300 cá thể đười ươi sống trong môi trường hoang dã. (Ảnh: Wikicommons)

Tê giác đen bị giết để lấy sừng, lấy thịt hay phục vụ mục đích giải trí. Chúng được coi là nguồn thu quan trọng của ngành du lịch tại nhiều nước châu Phi. Ngày nay, nỗ lực bảo tồn loài động vật quý hiếm này cũng đang chịu tác động của sự thay đổi môi trường sống và hoạt động săn bắt. Nhu cầu buôn bán sừng tê giác, đặc biệt ở châu Á, ngày càng cao. (Ảnh: Wikicommons)

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống ở vùng núi rừng hẻo lánh ở dãy Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Sao la là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách Đỏ của Việt Nam. Hiện chỉ còn khoảng vài chục cho đến vài trăm cá thể trong tự nhiên. Sao la bị săn bắt để làm thuốc ở Trung Quốc và thị trường thực phẩm ở Việt Nam, Lào. (Ảnh: Worldwildlife.org)

 

Theo Vnexpress