Những đứa con lai đặc sắc

Phát hiện chức năng tàng hình của một số loài dơi

Những con vật lai tạo được sinh ra do sự phối giống của những loài gần gũi nhau về mặt di truyền. Chúng không hề có trong thiên nhiên mà ra đời hoặc vì “bị” bắt sống chung trong sở thú hoặc do can thiệp của thụ tinh ống nghiệm.

Trong dịp đầu Xuân Canh Dần, chúng ta đã có dịp kể về những đứa con lai của chúa sơn lâm – hổ và chúa vùng bán sa mạc châu Phi là sư tử. Hãy làm quen với những đứa con lai đặc sắc của những loài khác.

1. Chó sói và chó nhà

Chó sói và chó nhà có khuynh hướng phối giống tự do. Chó sói thường nhút nhát, đánh giá theo hành vi bên ngoài, biểu hiện trên nét mặt và cách săn mồi… Móng vuốt của chúng mạnh hơn chó nhà và thường cố gắng tận dụng ưu thế này. Đứa con lai của hai loài thường mang cả hai tập tính. Thuần hóa chúng là dùng biện pháp mạnh bắt chúng phải khuất phục, chứ không phải vuốt ve.

2. Lợn nhà – lợn rừng

Những con lợn nhà vùng Tamworth được sự phối giống với lợn rừng hoang dã, sinh ra giống lợn “thời kỳ đồ sắt”. Loài lợn lai này dễ thuần hóa hơn lợn rừng, nhưng lại không dễ bảo như lợn nhà. Nói chung chúng cho nguyên liệu để làm nên loại xúc xích ngon nhất, nên sẽ được “sản xuất” đại trà trong các trại chăn nuôi để phục vụ cho công nghiệp chế biến thịt.

3. Ngựa, lừa – ngựa vằn (Zebroid)

Zorse (zebra-horse) là kết quả phối giống giữa ngựa thường và ngựa vằn. Zonkey (zebra-donkey) là sự phối giống giữa ngựa vằn và lừa. Còn Zony là phối giống giữa ngựa vằn và ngựa lùn (pony). Cả ba loại này gọi là zebroid (họ ngựa vằn).

Zebroid có ưu điểm hơn ngựa vằn về mặt sử dụng thực tế như để cưỡi chẳng hạn vì thân hình của nó giống với ngựa. Tuy nhiên nó bướng bỉnh hơn và khó dạy hơn.

Zorce

Zonkey

Zony

4. Lạc đà có bướu – lạc đà không bướu

Lạc đà có bướu (camel) và lạc đà không bướu (llama, nhiều người gọi là đà mã) không thể “yêu” nhau theo cách tự nhiên, dù sống chung trong một chuồng (điều có thể xảy ra đối vời hổ và sư tử) vì kích thước của chúng khá khác biệt. Chỉ bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm mới có thể tạo được những đứa con lai, được các nhà khoa học đặt tên là cama (do ghép camel và llama). Cama có tai ngắn đuôi dài như lạc đà nhưng bụng thon như đà mã. Điều đáng chú ý nhất là chúng không có bướu như lạc đà.

Bố và mẹ của Cama.

Cama khi được 2 ngày tuổi.

Cama sau 2 năm trưởng thành.

5. Gấu rừng – gấu Bắc cực

Gấu rừng (hay gấu nâu, tiếng Anh grizzly) và gấu Bắc cực (gấu trắng, tiếng Anh polar bear) trong thiên nhiên không ưa nhau, nhưng cũng tránh đụng độ nên hiếm khi gặp nhau để ân ái cho dù rất giống nhau về mặt di truyền. Tuy nhiên khi bị “ép duyên” (cho sống trong một chuồng tại các vườn thú, chúng cũng cho những đứa con lai, được đặt những cái tên ghép là grolar hoặc pizzly. Thế nhưng vào ngày 16/4/2006, một người thợ săn tên là Jim Martell, ở biên giới Mỹ và Canada đã săn được (nhưng tiếc rằng đã bắn chết) một con grolar (hoặc pizzly) sống trong rừng. Đó là đứa con lai của hai loài gấu lần đầu gặp trong thiên nhiên.

6. Báo – sư tử

Leopon là kết quả của sự phối giống giữa báo đực và sư tử cái. Đầu của con vật giống như sư tử trong khi những phần còn lại trên cơ thể tương tự như báo. Việc nghiên cứu cho lai tạo thành công nhất tại vườn thú Koshien Hanshin, Nhật Bản. Leopon lớn hơn báo, thích trèo cây và nghịch nước.

Leopon ở vườn thú.

7. Gà lôi vàng – gà lôi trắng Lady Amherst

Hai loại gà lôi (trĩ) vàng và trắng để có màu sặc sỡ rất đẹp. Do gần gũi về tính di truyền, chúng có thể phối giống để tạo ra những đứa con có bộ “áo khoác” diêm dúa, không giống cả bố lẫn mẹ.

Gà lôi vàng.

Gà lôi trắng Lady Amherst.

Đứa con lai của gà lôi vàng và trắng.

8. Cá heo – cá voi sát thủ giả hiệu

Sự lai giống giữa hai loại cá heo là cá heo mũi hình chai và cá heo mang tên cá voi sát thủ giả hiệu (false killer whale, gọi như vậy vì trông loài này rất giống cá voi nhưng nhỏ hơn nhiều) không thấy trong thiên nhiên nhưng lại xảy ra khi nuôi nhốt chung hai loại tại vườn thú. Hai chú cá heo lai ấy được gọi là wolphin, ra đời tại công viên sinh vật biển ở Hawaii. Wolphin có kích thước, hình dáng, màu sắc trung gian giữa bố và mẹ. Số răng của chú wolphin lớn là 66 trong khi bố có 88 răng, mẹ có 44 răng. Thật kỳ lạ.

Wolphin

 

Theo VietNamNet (National Geographic)