Học thuyết về sự tự sinh, vũ trụ tĩnh của Einstein… là những học thuyết đã được chứng minh là sai lầm và bị bác bỏ.
Trong lịch sử khoa học, có rất nhiều học thuyết được đông đảo trí thức tán thành và tồn tại trong thời gian dài, nhưng sau đó đã bị chứng minh là sai lầm và bị bác bỏ. Đó là những học thuyết nào? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Học thuyết về sự tự sinh
Từ thời xa xưa, con người ta luôn tin vào học thuyết về sự tự sinh (còn gọi là học thuyết nảy sinh ngẫu phát – spontaneous generation).
Theo đó, các sinh vật sống trên Trái đất được tự nhiên sinh ra mà không cần đến các sinh vật có kết cấu tương đồng. Ví dụ như giòi được sinh ra từ đất, hay các sinh vật sống do Mặt trời và nước tạo nên chứ không cần đến cha mẹ chúng.
Một ví dụ điển hình là kiến trúc sư người La Mã cổ đại Marcus Vitruvius Pollio (80 – 15 TCN) cho rằng, những con mọt sách được gió thổi đến từ hướng Nam hoặc hướng Tây, do đó thư viện nên quay mặt về phía Đông.
Marcus Vitruvius Pollio – một trong những học giả đầu tiên tin vào học thuyết tự sinh.
Thậm chí cho đến cuối thế kỷ XIX, rất nhiều người vẫn tin vào học thuyết tưởng chừng như rất vô lý này. Họ tin rằng gió là một yếu tố trong việc kiến tạo sự sống. Một số người khác nghĩ, sâu và ếch tự sinh ra từ bùn, còn giòi là do thịt thối phân hủy ra mà thành.
Louis Pasteur – cha đẻ của Quy luật tạo sinh.
Cuối cùng vào năm 1856, Louis Pasteur – cha đẻ của Penicillin đã công bố Quy luật tạo sinh. Pasteur cho rằng, sự sống phải bắt nguồn sự sống, hay con cái phải có bố mẹ sinh ra.
Một sinh vật có ý thức dù là một tế bào nhỏ nhất, đơn giản nhất không thể được tạo ra từ sự kết hợp của những nguyên tử hóa học vô cơ.
Học thuyết của Pasteur đưa ra dựa trên vô số thực nghiệm, vậy nên ta đã có thể bác bỏ được học thuyết lâu đời kéo dài hàng ngàn năm.
2. Giả thuyết về môi trường ê-te trong vũ trụ
Cho đến trước thế kỷ XIX, các nhà khoa học vẫn cho rằng không gian vũ trụ không thể trống rỗng, phải có thứ gì đó để các hành tinh, ánh sáng, tia vũ trụ đi qua. Họ gọi thứ bí ẩn đó là ê-te (aether hay ether).
Vũ trụ từng được cho là được lấp đầy bởi ê-te – môi trường vật chất không khối lượng.
Lúc bấy giờ, ê-te được coi như là một môi trường vật chất không khối lượng lấp đầy toàn bộ không gian vũ trụ và cả Trái đất. Tuy nhiên, dù tất cả mọi người đều tin vào điều này nhưng không một thí nghiệm nào có thể đưa ra bằng chứng cho thấy sự tồn tại của môi trường này.
Đến năm 1887, Albert Michelson và Edward Morley – hai nhà khoa học người Mỹ đã đưa ra thí nghiệm đầu tiên bác bỏ về giả thuyết này. Thí nghiệm Michelson – Morley đã cho thấy rằng tốc độ truyền ánh sáng trong môi trường thường và trong ê-te là không có sự khác biệt.
Albert Michelson và Edward Morley – những người đầu tiên bác bỏ giả thuyết ether.
Tuy nhiên, câu chuyện về thuyết ê-te chưa dừng ở đó. Năm 1892, nhà vật lý người Hà Lan – Hendrik Lorentz cho rằng các vật thể chuyển động trong môi trường ê-te sẽ co lại và thời gian sẽ chậm đi. Điều này sẽ làm cho thời gian di chuyển của các tia sáng là như nhau, nên môi trường ê-te vẫn có thực.
Nhưng cuối cùng, Thuyết tương đối của Albert Einstein đưa ra vào năm 1905 đã đặt dấu chấm hết cho giả thuyết về môi trường ê-te trong vũ trụ, đồng thời đặt nền móng để ngành hàng không vũ trụ của loài người phát triển như ngày hôm nay.
3. Thuyết vũ trụ tĩnh của Einstein
Vào đầu thế kỷ XX, trước khi giả thuyết về vụ nổ Big Bang ra đời, rất nhiều nhà khoa học thắc mắc về sự hình thành của vũ trụ. Giả thuyết phổ biến nhất thời bấy giờ đó là kích cỡ của vũ trụ luôn không đổi và là một hằng số.
Giả thuyết này dường như được củng cố mạnh mẽ hơn khi Einstein công bố Thuyết tương đối rộng, trong đó trình bày về một vũ trụ tĩnh. Einstein cho rằng vũ trụ luôn tồn tại, không có điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc.
Tuy nhiên, nếu vũ trụ là hữu hạn, sẽ có lúc năng lượng trong vũ trụ trở nên quá dày đặc và sụp đổ. Để giải quyết điều này, Einstein đưa ra cái gọi là “hằng số vũ trụ” – cho thấy mật độ năng lượng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một sự mở rộng hay co lại nào. Tuy nhiên sau này, Einstein đã phải thừa nhận rằng hằng số vũ trụ là “sai lầm lớn nhất” của ông.
Đến năm 1931, nhà vật lý người Bỉ – Georges-Henri Lemaitre đã đặt ra một giả thuyết mang tên Big Bang – thuyết vụ nổ lớn.
Thuyết này cho rằng, vũ trụ được hình thành sau một vụ nổ vật chất cực lớn và cho đến nay vũ trụ vẫn tiếp tục mở rộng. Thuyết Big Bang ngày nay đã trở thành quan điểm được chấp nhận rộng rãi nhất về nguồn gốc vũ trụ.