Từ đảo mèo, đảo thỏ cho tới những đảo chứa toàn động vật chết người như nhện, rắn… là những nơi hầu như không còn mấy người sinh sống mà đã trở thành thiên đường cho những loài vật.
Dưới đây là những thiên đường dành cho động vật:
Đảo heo – Bahamas
Với tên chính thức là Cồn san hô lớn, đảo heo là một đảo nhỏ nằm ở phía Tây Bahamas, có hơn 20 chú heo lớn nhỏ sinh sống. Những chú heo này sống nhờ vào đồ ăn rơi vãi từ du thuyền trên biển và những món quà là đồ ăn từ du khách tới thăm đảo. Cảnh tượng nổi bật nhất là những chú heo bơi trong làn nước trong vắt, chờ đợi quanh thuyền để được khách cho ăn.
Đảo rắn Ilha de Queimada Grande – Brazil
Ilha de Queimada Grand được coi là hòn đảo chết người nhất thế giới vì đây là nơi sinh sống duy nhất của loài rắn hổ lục đầu vàng độc nhất trên trái đất. Loại rắn này nhiều tới mức cứ một mét vuông trên đảo thì có môt tới 5 con hổ lục đầu vàng. Vì sự hiện diện quá đông đúc của loài động vật giết người này, hải quân Brazil đã cấm không cho ai được tới đảo này ngoại trừ các nhà khoa học và người canh gác ngọn hải đăng trên đảo.
Đảo mèo Tashirojima – Nhật Bản
Tarshirojima là một đảo nhỏ nằm ở phía Tây bờ biển Nhật Bản, nơi có ít nhất 10 đền thờ mèo và khoảng 51 bia đá mèo khác nhau. Đảo Tashirojima chỉ còn ít hơn 100 người trong khi số lượng mèo sống trên đảo lớn hơn gấp nhiều lần. Do quan niệm giữ “thần mèo” như vật nuôi trong nhà là không phù hợp nên mèo được tự do khắp nơi trên đảo và vẫn được chăm sóc, cho ăn tử tế mỗi ngày. Loài chó đặc biệt bị cấm trên đảo.
Đảo Christmas – Australia
Đảo Christmas của nước Australia chỉ có khoảng 1.500 cư dân sinh sống nhưng có tới 120 triệu chú cua đỏ di cư từ rừng qua đảo mỗi năm để sinh sản. Mỗi con cua có thể mất tới 18 ngày để đến được nơi sinh sản. Quá trình di chuyển liên tục và mất nước cũng khiến nhiều chú cua bị chết dọc đường. Người dân đã thiết kế lối đi riêng cho cua xuyên qua các con đường trên đảo, tránh chúng nguy cơ chúng bị xe cộ đè nát. Mỗi dịp cuối năm lại có tới 400.000 du khách đến với hòn đảo nhỏ bé này nhằm chiêm ngưỡng tấm thảm màu đỏ được dệt bằng hàng triệu con cua trên đảo.
Đảo vượn cáo – Madagascar
Madagascar nổi tiếng trên thế giới là nơi duy nhất con người có thể tận mắt ngắm nhìn loài vượn cáo. Đây là một loài linh trưởng trông như mèo lai với sóc và chó, phát ra âm thanh như cá voi và có dáng đi khệnh khạng trên cát như vũ công balê. Có hàng trăm chú vượn cáo sinh sống khắp đảo với hơn 60 loài. Tuy nhiên chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do môi trường sống bị con người xâm hại nghiêm trọng.
Đảo nhện – Guam
Loài nhện đã sinh sống trên hòn đảo nhỏ ở Guam này từ nhiều năm trước đây, nhưng cho tới gần đây chúng trở thành vấn nạn lớn cho đảo. Trước đây, trên đảo có một số lượng lớn các loại chim bản địa ăn nhện, giúp giảm thiểu số lượng nhện độc tại đây. Tuy nhiên, trong rừng xuất hiện một loại rắn nâu chuyên ăn chim và đã gây tuyệt chủng cho 10 loài. Từ đó, người ta ước tính rằng số nhện ở các khu rừng trên đảo Guam đã tăng nhiều gấp 40 lần so với những hòn đảo khác trong khu vực và số lượng rắn nâu cũng lên đến hàng triệu con.
Đảo thỏ Okunoshima – Nhật Bản
Đảo Okunoshima trước đây có nhà máy sản xuất sản xuất vũ khí hóa học với nhiều khí độc hại, được quân đội Nhật sử dụng trong Thế chiến thứ II. Loài thỏ vốn được sử dụng là vật thí nghiệm trong những nhà máy này. Sau khi chiến tranh kết thúc chúng được thả tự do và sinh sống ở đảo cho đến ngày nay khiến số lượng thỏ tăng nhanh chóng. Hàng năm, mỗi lần tới hòn đảo, các du khách thường mang theo thức ăn và chơi đùa cùng những chú thỏ ở đảo này.
Đảo Montecristo – Italy
Cho tới tận năm 2012, hòn đảo mang tên vị Bá tước nổi tiếng này vẫn là một nơi không có bóng dáng người ở do sự lộng hành của chuột. Nơi đây từng có tới hàng nghìn con chuột khắp nơi. Việc chúng ăn trứng loài chim Yelkouan Sheawrater vốn là một loài đã gần tuyệt chủng, khiến cho nhà chức trách phải ra tay dùng biện pháp thả bom độc khắp đảo để tiêu diệt chuột.
Đảo hải cẩu ở Cape Town – Nam Phi
Đảo hải cẩu thực chất là một vùng đất dài khoảng 800m và dài 50m, nằm cách 5,7km ngoài khơi bờ biển phía bắc vịnh False, gần Cape Town, Nam Phi. Hòn đảo được đặt tên như vậy vì số lượng lớn của loài hải cẩu lông xứ Cape đang chiếm hữu vùng đất. Có tới khoảng 64.000 chú hải cẩu lông xứ Cape sinh sống trên mảnh đất rộng chưa tới 2 ha này.
Theo Vnexpress, Huffington Post/capetowndailyphoto