Thiên nga chung thủy với một bạn tình duy nhất. Hơn nữa, thiên nga rất thông minh, chúng nhớ được ai đối xử tốt với mình và ai đối xử tồi với nó.
Tìm hiểu về loài chim thiên nga
Thiên nga là một nhóm chim cỡ lớn thuộc họ Vịt, cùng với ngỗng và vịt. Thiên nga và ngỗng có quan hệ gần gũi, cùng được xếp vào phân họ Ngỗng trong đó thiên nga làm thành tông Cygnini. Đôi khi, chúng được phân loại thành một phân họ riêng có tên là Cygninae.
Hầu hết thiên nga có chân màu ghi đen đậm, ngoại trừ hai loài ở Nam Mỹ, có chân màu hồng. Màu mỏ của chúng rất đa dạng: 4 loài sống ở vùng cận Bắc cực có mỏ đen với những mảng vàng bất quy tắc, các loài khác có “mô hình” phân màu đỏ và đen xác định. Loài thiên nga trắng và thiên nga cổ đen có một cái bướu ở phần gốc của mỏ trên.
Các loài thiên nga ở Bắc bán cầu có bộ lông trắng tuyền nhưng các loài thiên nga ở Nam bán cầu có màu lông trắng-và-đen. Loài thiên nga đen của Úc (Cygnus atratus) có màu đen hoàn toàn ngoại trừ vài lông trắng trên cánh của chúng còn loài thiên nga cổ đen Nam Mỹ – như tên gọi của chúng – có cổ màu đen. Chim thiên nga có thể bay với vận tốc 60 dặm 1 giờ.
Thiên nga thường kết đôi suốt đời, tuy nhiên việc “ly dị” thỉnh thoảng vẫn xảy ra, đặc biệt sau khi thất bại trong việc làm tổ. Số trứng trung bình trong mỗi ổ là 3-8. Phải mất 35-42 ngày để những quả trứng thiên nga nở thành con. Một con thiên nga đực được gọi là “cob” (thiên nga trống) còn một con thiên nga cái thì được gọi là “pen” (thiên nga cái).
Một con chim thiên nga có 25.000 cái lông trên người và thiên nga đực là loài chim duy nhất có dương vật.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về thiên nga có lẽ là truyện cổ tích Vịt con xấu xí. Câu chuyện xoay quanh một chú vịt con bị đối xử bất công cho đến khi mọi sự rõ ràng rằng chú là một con thiên nga và được đón nhận trong cộng đồng. Chú bị ngược đãi vì đối với nhiều người, những con vịt con thật sự đáng yêu hơn thiên nga con, mặc dù thiên nga con sẽ trở thành những thiên nga trưởng thành – những sinh vật thật sự quyến rũ. Thiên nga là biểu tượng của tình yêu và lòng chung thuỷ vì tập tính ghép đôi suốt đời.
Theo Lao Động