Không khí trung thu đã tràn ngập trên khắp các con đường, góc phố Hà Nội.
Sáng nay tôi vô tình đi qua phố Hàng Mã, chợt choáng ngợp trước vô vàn những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng đủ màu sắc, những chiếc mặt nạ đủ các nhân vật trong phim hoạt hình. Những sản phẩm y hệt nhau đẹp lộng lẫy nhưng vô cảm làm tôi chợt nhớ đến chiếc đèn ông sao xấu xí ngày nào của tuổi thơ tôi.
Tôi nhớ chị em tôi đã háo hức chờ đón Trung thu như thế nào. Mỗi lần đi học, chúng tôi lại ngắm nghía những cây tre bên đường để tìm những cái que thẳng nhất, ít đốt nhất rồi trở thành những chú kiến cần mẫn, tha “mồi” – những que tre – về tổ, cần cù, tỉ mẩn từng ngày.
Rồi cái ngày chủ nhật ấy, tôi ngồi sau lưng của mẹ, lên chợ chọn giấy bóng kính, keo và những dụng cụ khác. Tôi nhớ cái lưng đẫm mồ hôi của mẹ, còng lưng đạp xe lên cái dốc đê đầu làng và tôi như chú chim non ríu rít phía sau luôn mồm hỏi những thắc mắc về ngày Trung thu: “Trung thu là gì hả mẹ, vì sao có ngày Trung thu? Vì sao lại có Chị Hằng, Chú Cuội? Chị Hằng, Chú Cuội là ai? Sao họ lại ở trên cung Trăng mà không ở cùng chúng ta?”
Tôi nhớ cái lưng gù xuống của bố khi cặm cụi gọt từng cái que tre tạo nên các cánh sao, bàn tay bố đầy những nốt mụn cóc nhưng khéo léo tỉ mẩn với tất cả sự quan tâm trìu mến của mình. Cảm giác như có một điều ngọt ngào kỳ diệu nào đó len vào trái tim bé bỏng của tôi.
Tôi nhớ những chiếc đầu bé xíu của lũ trẻ con chúng tôi chen chúc nhau quệt hồ lên những thanh tre đã được bố gọt và cùng nhau dán những tấm giấy bóng kính nhiều màu sắc lên. Và cảm giác hồi hộp đến thắt tim khi sản phẩm lên hình sau bao ngày trông ngóng. Một chiếc đèn ông sao độc nhất vô nhị vì cái khoảnh khắc chúng tôi làm ra nó, cái chỗ méo ra do que tre có một cái đốt ở giữa, một cái cánh hơi bị rách vì thằng em tôi cắt quá tay, một cái cánh bị lạc màu vì thiếu giấy cùng màu,…, không thể quên được trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi. Những món đồ được làm từ bàn tay con người thì luôn chan chứa trong nó sự thân thuộc và tình cảm không bao giờ tìm thấy ở những sản phẩm công nghiệp được bày biện bắt mắt tại các cửa hàng trên phố Hàng Mã.
Đó là chiếc đèn ông sao thực sự, một Trung thu thực sự vì chính chúng tôi đã cùng nhau tạo nên một Trung thu thật là riêng biệt với không khí gia đình đoàn viên ấm cúng, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn.
Bây giờ trẻ con “giàu có” lắm, có nhiều hơn một chiếc đèn ông sao cho Trung thu, chúng thậm chí có cả thiên đường các trò chơi phong phú và đa dạng để tha hồ lựa chọn. Nhưng có cảm giác Trung thu của chúng “nghèo nàn” đi những ký ức đặc biệt về những ngày Trung thu cho riêng mình.
Bây giờ Trung thu cũng kéo dài lắm, những chiếc bánh Trung thu đã xuất hiện trước đó vài tuần nhưng chẳng ai biết nó đi đâu về đâu trong kế hoạch “ngoại giao” của người lớn, nhưng chẳng ai quan tâm đến chiếc bánh ngọt ngào nào sẽ dành cho bọn trẻ, cho bữa tiệc Trung thu đoàn viên gia đình. Có cảm giác Trung thu của trẻ con cũng bị người lớn “hạ giá” một cách thảm hại như giá những chiếc bánh thừa mứa sau mỗi mùa Trung thu.
Có chút hoài niệm tiếc nuối khi chiếc đèn lồng chỉ còn được rước trong ký ức về tuổi thơ của những người lớn ngày xưa.
Thế nên, tôi vẫn mong muốn giữ lại cho con những ký ức ngọt ngào về những ngày Trung thu tuyệt đẹp sẽ đi qua trong đời mình. Khi các con tôi hỏi: “Mẹ ơi, ngày Trung thu là gì?”. Tôi cũng sẽ trả lời như mẹ tôi ngày xưa: “Trung thu là Tết của trẻ con là vì chỉ có mỗi trẻ con là được tặng quà, được tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống như rước đèn ông sao, múa lân, sư tử, hát trống quân…”. Tôi sẽ giảng giải cho con nghe ý nghĩa của ngày tết Trung thu, cùng nghe các sự tích “Chú Cuội ngồi gốc cây đa, câu chuyện về bánh nướng bánh dẻo,… và cùng cắt bánh trong bữa tiệc đoàn viên gia đình.
Thu Huyền
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.