Lễ hội Chùa Hương
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội diễn ra trong vòng 3 tháng, đây là lễ hội kéo dài nhất trong cả nước, thông thường ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức về trên dòng suối Yến trẩy hội chùa Hương cầu sức khỏe, bình an, cầu tài, cầu lộc,… hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.
Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ “mở cửa rừng” hàm chứa ý nghĩa mới – mở cửa chùa. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn.
Lễ hội Yên Tử
Được coi là một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam, hàng năm vào những ngày đầu xuân, du khách thập phương lại háo hức trẩy hội. Lễ hội Yên Tử được tổ chức ngày 9 Giêng đến hết tháng ba âm lịch tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí , tỉnh Quảng Ninh).
Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm và thưởng thức văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính. Ngoài ra, lễ khai ấn “Dấu thiêng chùa Đồng” đầu năm và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian… tưng bừng, nhộn nhịp cũng luôn hấp dẫn du khách.
Hội Lim
Cứ đến ngày 12-13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, những người say mê những câu hát quan họ lại nô nức kéo về vùng Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) trẩy hội. Đây được coi là một lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh và thu hút rất nhiều du khách thập phương tham dự.
Với những nghi lễ đặc sắc như rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, hàng năm nơi đây đón hàng triệu lượt khách tham quan, nhất là mùa trẩy hội.
Du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và không thể bỏ qua phần hát hội, linh hồn của Hội Lim. Các liền anh, liền chị hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng, những câu hát làm say lòng khiến du khách chẳng muốn về.
Hội rước ông lợn
Cứ vào ngày 13/1 âm lịch hàng năm, lễ hội rước ông lợn lại diễn ra tưng bừng náo nhiệt tại làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lễ hội là dịp tưởng nhớ vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương, mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc.
Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ, và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.
Ngay từ trưa, toàn bộ các gia đình có lợn tế lễ bắt đầu rục rịch mổ xẻ, làm thịt và trang trí, đến 18h thì rước lợn. Tất cả các gia đình nô nức, chìm trong không khí tưng bừng của lễ hội.
Lễ hội khai ấn Đền Trần
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14, ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, thành phố Nam Định. Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công.
Lễ khai ấn được lưu giữ đến ngày nay. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu, một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Lễ hội bà chúa Kho
Lễ hội Bà Chúa Kho cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, và đặc biệt thu hút những người làm trong giới làm ăn, kinh doanh buôn bán. Đền Bà Chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”.
Tương truyền, bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hoá, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các “lẫm thóc, lẫm tiền” của Nhà nước.
Nguồn: Theo Dân trí
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.