Nấm là một trong những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, khi sử dụng nấm bạn cần biết cách phân biệt những loại nấm độc và nấm dùng được. Ngộ độc nấm có thể dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Dưới đây là danh sách những loại nấm độc phổ biến ở Việt Nam mà bạn cần biết.
-
1
Nấm độc tán trắng (Amanita verna)
Nấm độc tán trắng (Amanita verna) là một trong những loại nấm độc dễ nhầm lẫn với các loại nấm thông thường trong nấu ăn. Chất amanitin (amatoxin) chứa trong nấm có khả năng gây ngộ độc cao. Nấm độc tán trắng thường được tìm thấy trong các cánh rừng, dưới dạng mọc đơn chiếc hoặc từng cụm. Bề mặt mũ nấm có màu trắng, nhẵn bóng. Nếu lúc còn non, mũ nấm đính chặt vào cuống thì khi già, mép mũ có thể cụp xuống. Còn ở một cây nấm trưởng thành, mũ nấm phẳng và có đường kính khoảng 5-10 cm.
Phiến nấm và cuống nấm có màu trắng, đặc biệt màu ở cuống nấm tương tự màu sắc gần sát mép mũ nấm. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đàu hoa. Khi sờ vào nấm tự nhiên, bạn sẽ cảm thấy thịt mềm, mùi thơm dịu.
-
2
Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa)
Nấm độc trắng hình nón cũng có hình dáng, độc tố tương tự nấm độc tán trắng. Nấm thường mọc trên bề mặt rừng, thành từng chùm. Mũ của loại nấm này có mũ màu trắng, bề mặt nhẵn bóng nên rất dễ nhầm lẫn với những loại nấm thông thường khác. Vì vậy bạn cần chú ý đặc điểm sinh trưởng của nấm qua từng thời kỳ. Khi còn non, mũ nấm có đỉnh tròn, hình trứng; mép khum đính chặt vào cuống. Tuy nhiên, khi trưởng thành, mũ nấm có đường kính rất lớn (khoảng 4 – 10 cm) và khum hình nón. Đặc trưng của loại nấm này là mùi hương rất khó chịu.
-
3
Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa)
Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa) có thể gây ngộ độc khi ăn do ảnh hưởng của độc tố muscarin. Hình dáng của nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa) thường không cố định, mũ nấm có thể có hình nón hoặc hình chuông, đỉnh nhọn, các sợi tơ màu từ vàng đến nâu, tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi mới mọc, phiến nấm có màu hơi trắng, gắn chặt với cuống nấm nhưng khi già chúng chuyển sang màu xám hoặc nâu và tách rời khỏi cuống nấm. Lúc này, mép mũ nấm thường bị khía thành nhiều tia, đường kính mũ khoảng 2 – 8 cm. Tương tự mũ nấm, cuống nấm cũng có sự thay đổi trong quá trình sinh trưởng, từ màu hơi trắng đến vàng nâu với độ dài khoảng 3 – 9 cm.
-
4
Nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites)
Trong thành phần của ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites) có chứa nồng độ độc tố thấp, gây hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Loại nấm này thường sinh trưởng thành cụm ở ven chuồng trâu bò hoặc trên bãi cỏ, ruộng ngô nên rất dễ bị nhầm lẫn là nấm ăn thông thường. Nấm ô tán trắng phiến xanh có màu trắng khi còn non và chuyển sang màu xanh nhạt hoặc xanh xám khi trưởng thành, sắc tố xanh tăng dần theo độ tuổi của cây nấm. Cuống nấm cũng chuyển từ màu trắng sang màu nâu hoặc xấm, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Đặc điểm dễ phân biệt của loại nấm này là phần chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc.