Trong 9 tháng 10 ngày của thai kỳ và cả trong quá trình vượt cạn, có những loại hình siêu âm, xét nghiệm, thủ thuật mẹ có thể từ chối nếu tình trạng sức khỏe của hai mẹ con đều tốt.
1. Siêu âm đo độ mờ da gáy
Siêu âm đo độ mờ da gáy được thực hiện từ tuần thứ 11-13 của thai kỳ nhằm tầm soát hội chứng Down. Thai nhi mắc chứng Down sẽ có nhiều khả năng tích màng ối nhiều ở vùng sau gáy. Qua siêu âm, bác sỹ sẽ đo được lượng ối tại vùng này xem nó có nằm trong phạm vi cho phép hay không. Độ chính xác của đo độ mờ da gáy lên tới 70-75%. Nếu kết hợp cùng xét nghiệm máu, con số này sẽ là 82-93%. Bạn có thể từ chối siêu âm độ mờ da gáy nếu nằm trong nhóm có nguy cơ thấp hoặc không có ý định bỏ con dù con có mắc chứng Down hay không.
2. Siêu âm sau 24 tuần
Siêu âm sau 24 tuần nhằm chẩn đoán các bất thường ở thai nhi, hiện tượng nhau bám thấp. Những lần siêu âm càng về cuối thai kỳ chỉ mang ý nghĩa cho bố mẹ được ngắm con yêu và hầu như không mang mục đích y khoa nào. Ngoài ra siêu âm những tháng cuối này giúp mẹ biết được cân nặng của con, từ đó quyết định sinh mổ hay sinh thường.
3. Đẻ mổ ở lần sinh tiếp theo
Bạn đã sinh mổ trước đó không có nghĩa là bắt buộc bạn phải lựa chọn phương pháp này ở những lần sinh tiếp theo. Tuy nhiên nếu quyết định sinh thường dù đã sinh mổ trước đó, bạn cần thảo luận kỹ càng và được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ nhằm loại trừ nguy cơ bị biến chứng vì vết mổ ở lần sinh trước.
4. Đẻ mổ khi có thai kỳ khỏe mạnh
Nếu bạn không gặp các vấn đề nghiêm trọng trong thai kỳ, hãy cứ tự tin lựa chọn sinh thường thay vì sinh mổ. Những tác hại khôn lường khi chọn sinh mổ được phổ biến khá rộng rãi trên báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng. Vì thế hãy luôn lựa chọn phương pháp sinh thường, trừ khi thai kỳ không khỏe mạnh, cần phải chỉ định mổ nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng hai mẹ con.
5. Khởi phát chuyển dạ
Khởi phát chuyển dạ là thủ thuật y khoa chỉ được thực hiện trong các trường hợp mẹ bầu bị tiền sản giật hoặc không có cơn co dù đã quá ngày dự sinh. Tuy nhiên ngày nay khởi phát chuyển dạ trở nên phổ biến đến mức, nhiều mẹ bầu không nằm trong trường hợp đặc biệt vẫn được tiêm thuốc kích thích co tử cung để rút ngắn thời gian đau đẻ. Khoảng 50-60% những ca sinh nở được khởi phát chuyển dạ sau đó đều phải mổ lấy thai. Nếu không bắt buộc phải dùng phương pháp này, mẹ có thể từ chối khởi phát chuyển dạ nhé.
6. Lựa chọn sinh con sớm
Đây cũng là điều mẹ nên từ chối, vì được sinh ra tự nhiên vẫn luôn là lựa chọn tốt nhất với bé. Trẻ nên được sinh vào khoảng tuần thứ 39-40 để không mắc các vấn đề về hô hấp, chứng vàng da. Nếu bắt buộc phải sinh sớm, có thể bàn với bác sỹ liệu có trì hoãn được đến khi bé được 39 tuần tuổi hay không.
7. Thăm khám âm đạo
Trong quá trình chuyển dạ bạn sẽ thường xuyên được thăm khám âm đạo. Tuy nhiên thăm khám âm đạo sẽ không cần thiết nếu việc này chỉ cho bạn biết tử cung đã mở được bao nhiêu phân.
8. Theo dõi tim thai liên tiếp
Khi trong phòng chờ sinh, bạn sẽ được đặt một chiếc máy trên bụng nhằm theo dõi nhịp tim thai nhi. Tuy nhiên điều này cũng không cần thiết, bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, máy theo dõi tim thai không những hạn chế cử động của mẹ bầu mà còn làm tăng nguy cơ phải sinh mổ.
9. Chọc túi ối
Chọc túi ối là thủ thuật nhằm kích thích các cơn co và rút ngắn thời gian chuyển dạ. Các bà mẹ sắp sinh được khuyến nghị không nên lựa chọn thủ thuật này vì nó cũng dẫn đến nguy cơ phải sinh mổ thay vì sinh thường. Vỡ ối là điều tự nhiên mà không cần bất cứ can thiệp y tế nào.
10. Rạch tầng sinh môn
Rạch tầng sinh môn có lẽ là điều gây nhiều nỗi ám ảnh nhất cho các bà mẹ. Thủ thuật này nhằm hỗ trợ mẹ sinh con dễ dàng hơn bằng cách rạch một đường nhỏ ở tầng sinh môn mà hầu hết các mẹ sinh thường đều phải trải qua. Tuy nhiên một số mẹ dễ đẻ hoặc các cơ ở vùng âm đạo, tầng sinh môn co giãn rộng hoàn toàn có thể từ chối thủ thuật này.
Việt Hà – Nguồn: BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.