Nhiều loài vật được mệnh danh là “ma cà rồng” do có cách thức kiếm ăn đáng sợ như xé toạc da, biến con mồi thành xác khô, ký sinh trên lưỡi, ăn trứng đồng loại.
Chim sẻ ma cà rồng (Geospiza difficilis septentrionalis)
Theo BBC, loài chim sẻ hút máu nhỏ bé trên đảo Wolf thuộc quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương là họ hàng gần của chim sẻ đất, ăn hạt và ấu trùng, nhưng chúng đã phát triển cách kiếm ăn hung bạo hơn nhằm thích nghi với đời sống trên đảo. Để có thức ăn, chim sẻ hút máu nhảy lên thân một con chim lớn hơn như ó biển chân xanh và mổ vào lông đuôi cho đến khi máu chảy ướt đẫm. Sau khi ăn no, chúng còn tìm đến khu dân cư. Chúng thường nhắm vào gà con không có khả năng tự vệ, chỉ biết co rúm trong tổ. (Ảnh: Pete Oxford/NPL).
Bọ sát thủ (họ Reduviidae)
Trong các rừng cây và rừng nhiệt đới trên toàn cầu, có một sát thủ máu lạnh săn mồi hàng đêm. Loài bọ sát thủ này có khả năng ngụy trang, có phương thức tấn công và vũ khí đáng sợ. Với 7.000 loài khác nhau, khẩu phần ăn của chúng rất đa dạng. Một số ăn ong trong khi những con khác hút máu của dơi ma cà rồng. Bọ sát thủ sử dụng chiếc vòi nhọn để tiêm vào nạn nhân còn sống hỗn hợp enzym và tiêu hóa con mồi từ bên trong. Sau đó, chúng dùng vòi hút dịch trong cơ thể nạn nhân dù con mồi đã chết hay chưa. (Ảnh: BBC).
Ếch bay ma cà rồng (Rhacophorus vampyrus)
Năm 2010, nhà sinh vật học Jodi Rowley đến khu rừng mù sương ở miền nam Việt Nam và phát hiện một loài ếch bay hoàn toàn mới. Những con ếch sống hoàn toàn trên ngọn cây, sử dụng ngón tay và ngón chân có màng để di chuyển. Không dám mạo hiểm đẻ trứng ở ao suối trên mặt đất, ếch cái đẻ trứng trên những lỗ chứa nước trong thân cây, dùng chân sau khuấy thành một loại bọt dính. Khi nòng nọc nở, bọt chảy ra và chúng nhảy xuống hố nước bên dưới. Nhưng không có gì cho chúng ăn, do đó, ếch mẹ sẽ quay lại lỗ và đẻ nhiều trứng hơn. “Chúng sử dụng những chiếc răng nanh để khoét lỗ trên quả trứng, và hút toàn bộ phần bên trong”, Rowley giải thích. (Ảnh: BBC).
Nhện nhảy Kenya (Evarcha culicivora)
Nhện nhảy Kenya sống trên tường nhà dân bên bờ hồ Victoria chuyên hút máu người. Tuy nhiên, chúng không uống máu người trực tiếp qua một bộ phận cơ thể mà săn những con muỗi căng máu. Đây là loài sinh vật duy nhất lựa chọn con mồi dựa trên những gì nó đã ăn. Loài nhện này rất kén chọn. Chúng chỉ ăn muỗi Anopheles gambiae cái, thủ phạm chính gây bệnh sốt rét ở châu Phi. Những con nhện phân biệt muỗi Anopheles qua góc 45 độ của cơ thể khi nằm nghỉ, và chúng có thể xác định một con muỗi căng máu chỉ bằng khứu giác. (Ảnh: Robert Jackson).
Rận ăn lưỡi (Cymothoa exigua)
Rận ăn lưỡi, sống ký sinh trên cá. Khi tìm thấy con mồi phù hợp, nó chui qua mang để vào miệng, bám trên lưỡi và hút máu, đồng thời biến đổi thành con cái. Mắt nó co lại và chân bành ra. Cuối cùng, khi lưỡi vật chủ teo lại do mất máu và rụng xuống, con rận bám chân vào cuống lưỡi và thay thế luôn. Từ đó, con cá sử dụng loài ký sinh trùng như một chiếc lưỡi giả. Con cái giao phối với con đực cũng sống trong mang cá, sinh ra các cá thể đực. Chúng tiếp tục bơi đi và bắt đầu quá trình tương tự. (Ảnh: Mike Veitch/Alamy Stock Photo).
Bướm ma cà rồng (Calyptra thalictri)
Bướm Calyptra được tìm thấy khắp châu Âu, chủ yếu ăn trái cây và hút mật hoa. Nhưng một số loài tiến hóa trở nên khát máu. Bướm Calyptra thalictri ở Siberia dùng lưỡi có móc và ngạnh để khoan sâu vào da rồi hút máu động vật có xương, bao gồm cả con người. Bướm Calyptra đực đến từ châu Á còn ăn những con mồi khổng lồ, như bò, tê giác, và thậm chí cả voi. (Ảnh: FLPA/Alamy Stock Photo).
Cá ma cà rồng (Vandellia cirrhosa)
Loài cá da trơn nhỏ bé nhưng phàm ăn tên Caniru có nguồn gốc tại lưu vực sông Amazon, được xem là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với du khách. Một số con chỉ dài một centimet, nhưng chúng có thể phát triển tới kích thước 40cm. Với kích thước nhỏ bé, loài cá này có thể luồn lách vào những lỗ nhỏ nhất, tự vệ bằng hàng chục gai trên đầu. Loài cá này chủ yếu bám vào mang của cá da trơn khác và thỉnh thoảng chui vào vết thương hở. (Ảnh: BBC).
Vi khuẩn ma cà rồng (Micavibrio aeruginosavorus)
Đây là loài ăn thịt nhỏ nhất được biết đến trên thế giới. Có hình dáng giống nòng nọc, loài vi khuẩn này thích ăn các vi khuẩn khác, cắn vào màng tế bào và hút chất dinh dưỡng từ bên trong. Micavibrio aeruginosavorus lần đầu được phát hiện cách đây 30 năm nhưng rất khó nghiên cứu do chúng thường làm bẩn phòng thí nghiệm. (Ảnh: Daniel Kadouri).
Theo VnExpress