Khi gặp tai nạn, nhiều người có thói quen áp dụng biện pháp sơ cấp cứu dân gian. Nhưng không ít những cách sơ cứu sai lầm gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
-
1
Sơ cứu vết thương hở: Dùng dung dịch i-ốt, ô-xy già, cồn, thuốc đỏ để sát khuẩn vết thương
Các bác sĩ thường dùng i-ốt để làm sạch vùng da trước khi phẫu thuật bởi i-ốt là dung dịch lý tưởng để sát khuẩn khi da còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, khi da bị rách, theo bác sĩ da liễu Robert Kirsner, người phát ngôn của Viện Da liễu Hoa Kỳ, việc sử dụng dung dịch i-ốt, ô-xy già, cồn hay thuốc đỏ có thể gây độc cho tế bào da, cản trở quá trình lành vết thương.
Khi tiếp xúc với vết thương, ô-xy già gây ra một phản ứng hóa học (sủi bọt). Nhiều người cho rằng sủi bọt càng nhiều càng chứng tỏ vết thương được làm sạch. Nhưng thực tế phản ứng hóa học này không chỉ làm sạch vết thương mà còn giết chết các tế bào mạnh khỏe. Tương tự, khi sử dụng cồn để chùi vết thương, cả tế bào hư và tế bào mạnh khỏe đều bị hủy hoại. Còn khi bôi i-ốt vào vết thương, vi khuẩn có thể bị tiêu diệt, nhưng vết thương lại không được làm sạch. Đặc biệt, các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn tuyệt đối không nên sử dụng vì trong dung dịch này có thủy ngân, rất hại cho cơ thể.
Cách sơ cứu đúng: Khi bị đứt tay, trầy xước, bạn nên đặt vết thương dưới một vòi nước mạnh để rửa sạch rồi băng lại để làm sạch vết thương và vi khuẩn mà không làm tổn thương mô lành. Trước khi băng có thể dùng mỡ kháng sinh chứa bacitracin hay neomycin để bôi trơn vết thương nhằm tránh đau khi thay băng.
Bạn có thể tham khảo cách sơ cứu trầy xước da ở trẻ nhỏ: Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ bị dằm, chảy máu, đứt tay và trầy da
-
2
Sơ cứu bỏng: Bôi kem đánh răng, mỡ trăn lên vết bỏng
Nhiều người có thói quen bôi kem đánh răng lên vết bỏng để làm dịu cảm giác bỏng rát. Tuy nhiên, kem đánh răng có thể bám chặt vào vết bỏng, gây nhiễm trùng và tạo ra một môi trường cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, các bác sĩ chuyên ngành bỏng khẳng định kem đánh răng hay vôi bột đều là các hóa chất chứa kiềm, khi gặp môi trường thuận lợi như các vết thương bỏng, sẽ xâm nhập và gây nên biến chứng khác.
Ngoài ra, một số gia đình còn truyền nhau cách dùng mỡ trăn bôi ngay vào vết thương do bỏng gây ra. Bởi theo họ, mỡ trăn rất mát, lành da nên khi bị bỏng bất kể là do nguyên nhân nào, cũng là cứu cánh hiệu quả ngay tức thời, giúp bệnh nhân nhanh dịu da. uy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ – nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia khuyến cáo, chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc bôi mỡ trăn ngay khi phát hiện bỏng sẽ có tác dụng tốt. Bạn chỉ nên bôi mỡ trăn trong thời gian sau điều trị để da mau lành.
Cách sơ cứu đúng: Ngay lập tức đặt vết bỏng dưới một vòi nước lạnh để đỡ nóng và làm giảm quá trình tổn thương da. Ngoài ra, đặt vết bỏng dưới vòi nước cũng giúp quá trình lành da diễn ra nhanh hơn. Sau đó che vết bỏng lại bằng gạc vô khuẩn hay băng không dính, giữ vết bỏng sạch và khô ráo. Nếu có vết phồng, đừng làm vỡ vì dịch bên trong là vô khuẩn, nó sẽ tạo thành một lớp băng tự nhiên quanh vết bỏng.
-
3
Sơ cứu chảy máu: Cột ga-rô khi xuất huyết nhiều
Khi bị chảy nhiều máu, một số người thực hiện sơ cứu bằng cách cột ga-rô, tức là dùng vải buộc chặt phía trên vết thương để ngăn máu chảy nhiều. Tuy nhiên, cách sơ cấp cứu này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Theo Charles Pattavina, phó giáo sư Khoa Y học cấp cứu Đại học Y khoa Brown (Hoa Kỳ), “ga-rô có thể làm tổn thương mô, thậm chí phải cưa tay hay cưa chân nếu áp dụng không đúng”.
Bởi cột ga-rô có thể khiến máu không được lưu thông, gây hoại tử. Giả dụ như khi động mạch ở cánh tay bị thương và máu chảy ra như suối, sử dụng garo sẽ cắt đứt hoàn toàn sự tuần hoàn của máu ở cánh tay – và không mang lại hiệu quả gì hơn việc ấn trực tiếp vào vết thương. Do đó, nếu không có kiến thức đầy đủ và chắc chắn về phương pháp này, bạn tuyệt đối không nên áp dụng.
Cách sơ cứu đúng: Băng ép lên chỗ chảy máu. Ngay cả khi băng thấm đầy máu cũng không được gỡ ra, nếu cần thiết có thể băng ép thêm vài miếng lên miếng băng đầu tiên.
Theo Van Rooyen, khi ép băng lên vết thương, dòng máu sẽ chảy chậm lại, có thể làm ngừng xuất huyết và thúc đẩy sự tạo thành cục máu đông bít chặt mạch máu bị đứt, nhưng vẫn để cho máu lưu thông đến phần còn lại của tay hay chân. Nếu cách này vẫn không làm ngừng xuất huyết, bạn có thể làm chậm dòng máu bằng cách ép vào động mạch chính của cánh tay hay chân, tùy theo vị trí vết thương.
-
4
Sơ cứu chảy máu cam: Ngửa đầu ra sau để máu không chảy
Một số người có thói quen ngửa đầu ra sau để cầm máu khi bị chảy máu cam. Tuy nhiên, làm như vậy chỉ khiến máu chảy ngược xuống cổ họng và có thể khiến bạn nôn ói. Hơn nữa, bạn không biết mình chảy máu nhiều hay ít, cũng không thể cầm máu lại được.
Cách sơ cứu đúng: Bạn nên ngẩng đầu lên để làm giảm áp lực trong mạch máu của mũi, dùng ngón trỏ và ngón cái bóp 2 lỗ mũi trong vòng 15 phút, thở bằng miệng. Sau đó, nếu mũi vẫn tiếp tục chảy máu, tiếp tục bóp mũi trong 15 phút nữa Đa phần chảy máu cam là lành tính và sẽ tự hết. Nhưng nếu quá 30 phút mà máu mũi vẫn không ngưng chảy, hoặc điều này xảy ra sau khi bị thương, bạn nên tới bệnh viện.
-
5
Sơ cứu hồi sức đột quỵ, đuối nước: Hô hấp nhân tạo bằng cách ấn ngực và hà hơi thổi ngạt
Hô hấp nhân tạo bằng cách ấn ngực và hà hơi thổi ngạt là cách sơ cứu điển hình đối với những người bị đuối nước hay nhịp thở không ổn định. Tuy nhiên, cách sơ cấp cứu này có thể khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên nguy kịch hơn. Các nghiên cứu cho thấy nếu bạn lơ là trong việc ấn ngực tạo áp lực (để hà hơi), bệnh nhân sẽ càng nguy hiểm. Một khảo sát mới đây cho thấy chỉ có 1/20 người bị trụy tim ngoài bệnh viện được cứu sống vì mọi người thường không biết hô hấp nhân tạo đúng cách.
Cách sơ cứu đúng: Nếu thấy 1 người bị đột quỵ, bạn nên kiểm tra mạch máu ở cổ họ. Nếu không thấy mạch nào, bạn nên ấn ngực họ ngay lập tức trong lúc gọi cấp cứu. Đặt 1 tay lên giữa ngực bệnh nhân, và đặt bàn tay kia lên trên tay bạn, ấn xuống chừng 5cm mỗi lần, chừng 100 lần mỗi phút – nghĩa là hơn 1 lần mỗi giây.
Đặc biệt, đối với trẻ bị đuối nước, bạn cần thực hiện nhanh các bước sơ cứu sau đây: Các bước sơ cấp cứu nhanh khi gặp trẻ bị đuối nước.
-
6
Sơ cứu trường hợp bị que đâm: Rút que khỏi người nạn nhân
Đối với những trường hợp bị que đâm bị thương, nhiều người thường ngay lập tức rút que ra để sơ cứu vết thương. Tuy nhiên, đây là cách làm sai lầm. Bạn không được rút que/cọc ra khỏi người nạn nhân vì làm như thế có thể sẽ làm cho que/cọc gây tổn thương nặng hơn hoặc sẽ làm tăng nguy cơ bị chảy rất nhiều máu.
Cách sơ cứu đúng: Cần cố gắng cố định vật đã đâm vào người nạn nhân rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Bẹn có thể dùng cáng để khiêng, tránh để nạn nhân hạn chế dịch chuyển, tránh làm vết thương đâm sâu hơn hoặc gây đau đớn.
-
7
Sơ cứu động kinh: Đặt bút chì vào miệng người động kinh để ngăn họ cắn lưỡi
Bạn thường khá hoang mang khi gặp một trường hợp động kinh. Thậm chí, nhiều người không có kinh nghiệm còn đặt bút chì vào miệng người động kinh để ngăn họ cắn lưỡi. Tuy nhiên, điều này có thể gây phản tác dụng, nguy hiểm đối với người bệnh. Bởi họ khó có thể nuốt ngược lưỡi của mình nhưng nếu đưa cái gì đó vào miệng người động kinh, có thể họ sẽ nuốt cả nó hoặc nó sẽ làm họ khó thở.
Cách sơ cứu đúng: Trong cơn động kinh, nạn nhân có thể co giật mạnh, sùi bọt mép và thậm chí tím tái. Nhưng những cơn co giật này sẽ tự hết – vì thế bạn không thể làm gì ngoài việc gọi trợ giúp và giữ cho nạn nhân tránh xa những mối nguy hiểm xung quanh, như những vật sắc nhọn, kính, nhiệt độ, hoặc ngã vào nước.
Bạn cũng có thể đẩy cho nạn nhân nằm nghiêng để đường thở được thông thoáng. Cần nhớ rằng cơn động kinh trông có vẻ như một trường hợp cấp cứu – nhưng thực ra lại không phải vậy.