Những món ăn cầu may ngày Tết ở một số nước Châu Á

alt

Những món ăn cầu may trong ngày Tết của một số dân tộc ở châu Á được xem là nét văn hóa độc đáo mà không phải châu lục nào cũng có được.

  • 1

    Trung Quốc

    Theo truyền thống, vào đêm Giao thừa, các gia đình ở Trung Quốc thường quây quần gói sủi cảo và thưởng thức món ăn này trong bầu không khí đầm ấm, bình an của ngày Tết.

    Sủi cảo được làm khá cầu kỳ, từ khâu làm nhân, gói bánh đến lúc ăn. Rau trộn với thịt làm nhân bánh, trong tiếng Trung Quốc, đồng âm với từ “có của”. Băm nhân tiếng to mà thời gian lại dài có nghĩa là “lâu dài và dư thừa”.

    Sủi cảo được gói theo hình bán nguyệt, khi gấp đôi vỏ bánh hình tròn, dùng tay viền theo đường diềm thật đều gọi là “viền phúc”. Ở nông thôn, ngoài vỏ sủi cảo còn in hình bông lúa ngụ ý sang Năm Mới ngũ cốc được mùa.

    Trong lúc nấu sủi cảo, thường phải cho thêm 3 lần nước lạnh vì từ này đồng âm với “phúc đi rồi lại đến”.

    Khi ăn sủi cảo, cũng phải biết cách. Bát thứ nhất để thờ cúng tổ tiên, bát thứ hai để cúng thần thánh trong dân gian, bát thứ ba cả nhà mới bắt đầu ăn và nhớ rằng nên ăn số chẵn, không được ăn số lẻ. Khi ăn xong, nhất định để thừa lại mấy cái (số chẵn) ngụ ý “năm nào cũng dư thừa”.

    Trước kia, người dân Trung Quốc rất nghèo, không thể thường xuyên ăn sủi cảo vì vậy người ta rất coi trọng việc ăn loại bánh này vào đêm cuối năm. Hiện nay, đời sống khá giả hơn, người ta có thể ăn sủi cảo lúc nào cũng được nhưng vẫn không ai quên món bánh sủi cảo đêm giao thừa.

    alt

  • 2

    Nhật Bản

    Những món ăn đặc biệt dành riêng cho ngày Tết người Nhật gọi là Osechi bao gồm súp Ozoni (được nấu khá công phu với các thành phần: bánh gạo tẻ, tảo biển, hải sản hoặc thịt gà), mứt đậu đen, Tazukuri (cá mòi tẩm đường và tương rán giòn), Ie Sebi (tôm rán vàng), bánh giày… với hương vị và màu sắc phong phú, được xếp trong một hộp hình khối chữ nhật trong đỏ ngoài đen.

    Osechi được chế biến bằng các nguyên liệu thực phẩm theo phương pháp có thể để lâu trong cả tuần nhằm giúp các bà nội trợ thoải mái tận hưởng những ngày đầu năm mà không bị chuyện nấu nướng làm phiền.

    Người Nhật rất coi trọng việc trang trí món ăn để mang lại cảm giác ngon mắt cho thực khách. Họ quan niệm hộp đựng Osechi càng đẹp thì may mắn càng nhiều.

    Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần ăn bữa tất niên rồi cùng ngồi đón giao thừa. Sáng mùng một Tết, cả gia đình làm lễ đón mừng Năm Mới. Theo nghi thức, lần lượt từng người bắt đầu từ người ít tuổi nhất quay mặt về hướng Đông và uống rượu sake. Mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tiếp đó là ăn các món Osechi sau khi cúng thần Năm Mới.

    Điều đáng lưu ý là tại Nhật Bản, việc tặng quà hay mừng tuổi ngày Tết không bị “nặng nề” về giá trị vật chất mà chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần.

  • 3

    Hàn Quốc

    Canh Tteokguk (gồm bánh Teok, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa, gia vị) là món ăn truyền thống đặc trưng nhất của người Hàn Quốc trong dịp Tết. Cuối năm, dù bận rộn đến đâu, nhiều gia đình cũng cố dành thời gian tự nấu lấy món này để hưởng lộc một cách trọn vẹn.

    Vào ngày đầu tiên của Năm Mới, mỗi người Hàn Quốc đều ăn một bát canh Teok Guk để cầu mong một Năm Mới sức khỏe và trường thọ.

    Hình bầu dục và màu trắng của bánh Tteok còn tượng trưng cho sự trọn vẹn và thanh khiết của vạn vật trên thế gian vào ngày đầu tiên của Năm Mới.

    Ngoài ra, trong ngày Tết, trên mâm cỗ của người dân xứ Hàn không thể thiếu rượu balki sool. Dù ít hay nhiều, người ta cũng phải uống chút rượu này để lấy may.

    alt

  • 4

    Lào

    Lạp là món ăn truyền thống gần gũi nhất, không thể thiếu trong ngày Tết và trong các lễ hội của người Lào. Theo ngôn ngữ Lào, lạp có nghĩa là may mắn, phúc lộc dồi dào.

    Lạp có thể làm bằng thịt lợn, gà, bò, chim, cá… như lạp thịt lợn gồm thịt nạc, gan, tim băm nhỏ trộn chung với các loại rau thơm, ớt cay thái nhỏ, gia vị truyền thống, nước cất chanh và không thể thiếu thính nếp rang.

    Người Lào thường dùng lạp với xôi hoặc cơm nóng. Món này được làm rất cẩn thận vì nếu không ngon, người ta tin rằng cả năm sẽ gặp xui xẻo.

    Những món ăn cầu may ngày Tết ở một số nước Châu Á - 1

  • 5

    Campuchia

    Người Campuchia đón Năm Mới vào giữa tháng Tư dương lịch hàng năm. Tết này gọi là Bon Chol Chnam, không khác mấy so với Tết của người Lào và Thái Lan. Món ăn không thể thiếu trong ngày tết Bon Chol Chnam của người Campuchia là món cari.

    Trong ngày đầu Năm Mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cari thơm lừng.

  • 6

    Indonesia

    Indonesia là quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó các món ăn mừng Năm Mới cũng rất đa dạng và khác biệt.

    Người Indonesia theo đạo Hồi đón Tết Tahun Baru Hijriah thường có món bánh tựa như bánh tét của miền Nam. Gạo thơm được gói trong lá dừa rồi đem hấp chín.

    Vào dịp Tết của người Hindu tại đảo Bali, cả dân làng tập trung tại một khu vực để ăn mừng. Thức ăn được chuẩn bị trong 2 ngày để phục vụ số lượng người tham gia đông đảo.

    Các món của người Indonesia thường khá cay, nồng và cơm là thực phẩm chính./.