Những ngôi chùa xin tài lộc linh thiêng ở miền Bắc

0
120

Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Nơi đây được coi là một trong những ngôi đền linh thiêng để cầu tài lộc vào dịp xuân mới.

Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của truyền thuyết Việt Nam. Hàng năm, vào thời khắc giao thừa và thời điểm đầu xuân, khách hành hương về phủ rất đông, vừa đi lễ Mẫu cầu mọi điều an lành, may mắn, vừa để thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ Tây.

Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho nằm ở Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng 25km, từ lâu nổi tiếng là địa điểm linh thiêng về cầu buôn bán làm ăn. Cứ vào dịp đầu năm, người dân đặc biệt là giới kinh doanh, thương gia, lại nườm nượp tới xin lộc “vay nợ” Bà Chúa, cầu mong một năm buôn bán làm ăn thuận lợi. Rồi tầm tháng 11 âm lịch, người ta lại đổ về Đền xin “trả nợ”.

Theo tương truyền, bà Chúa Kho là người phụ nữ có nhan sắc, lại có tài khéo léo trông nom kho tàng quốc gia, giúp mọi người khai khẩn đất nông nghiệp. Sau này, bà trở thành Hoàng hậu thời Lý, giúp vua giữ gìn kho lương.

Đền bà Chúa Kho còn được dân gian truyền miệng với tên gọi “Ngân hàng địa phủ”, là nơi linh thiêng với giới buôn bán làm ăn. Ngôi đền được xây dựng vào thời Lý, thế kỷ XI.

Đền Trần Nam Định

Đền Trần là đền thờ nằm tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Đây là nơi thờ các vua nhà Trần cùng quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền được xây dựng từ năm 1695 trên nền Thái miếu cũ và cung Trùng Quang.

Hàng năm vào dịp đêm 14, mở đầu ngày 15 tháng Giêng âm lịch, lễ khai ấn được tổ chức tại Khu di tích đền Trần. Ngày lễ là tập tục từ thế kỷ XIII ở triều đại nhà Trần, do vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho các vị quan có công. Ngay từ trước khi lễ khai ấn diễn ra, hàng ngàn người đã đổ về đây, mong xin được ấn tín vào thời khắc linh thiêng.

Chùa Hương

Trên thực tế, đây là quần thế văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Còn trung tâm cụm đền chùa thuộc động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong cuộc kháng chiến chống Pháp và phục dựng lại năm 1988 do Thượng Tọa Thích Viên Thành. Cùng lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội chùa Yên Tử, lễ hội chùa Hương rất nổi tiếng ở khu vực phía Bắc, thu hút hàng triệu lượt phật tử về hành hương. Ngày hội diễn ra trong 3 tháng, từ 6/1 đến tháng 3 âm lịch, đỉnh cao từ rằm tháng giêng tới 18/2 âm lịch. Hàng năm, chùa Hương đón hàng triệu lượt du khách tới tham quan và cầu lộc, cầu may.

Chùa Yên Tử

Chùa Yên Tử nằm trên ngọn núi Yên Tử, thuộc huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam,lễ hội chùa Yên Tử vào dịp đầu xuân hàng năm thu hút du khách thập phương về du xuân “cầu may vạn phúc”.

Nguồn: Theo Dân trí

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.