1. “Còn một cái lai quần cũng đánh”
Tôi đã rất yêu quý, đến gần như thần tượng 1 doanh nhân – chuyên gia giáo dục người Việt Nam định cư tại Mỹ, bởi chị đã gửi gắm 1 tinh thần giáo dục rất tiến bộ: từ chối bạo lực trong hành xử. Đặc biệt là hành xử trong gia đình, với trẻ em. Nhưng chị có phần cực đoan khi suy diễn rằng, sự bạo động, bột phát thái quá của 1 nhóm thanh niên Việt Nam (khi nhóm thanh niên ấy cứ hô hào mang vũ khí chiến tranh ra chiến đấu ở biển Đông, trong lúc tình hình không hề phù hợp cho bạo lực) là bởi vì lối sống của người Việt đã cổ vũ cho bạo lực. Chị cho rằng ca ngợi chị Út Tịch với câu nói “còn 1 cái lai quần cũng đánh” chính là sự ca ngợi chiến tranh, làm cho người Việt cục cằn, bạo động đến mức chỉ 1 sự cố giao thông nhỏ, va chạm chút ít cũng sẵn sàng đánh nhau.
Tôi đã lặng đi, và run người. Quả thật, tôi bức xúc!
Tôi không biết chị chuyên gia ấy đã học hỏi và tiếp thu được gì, chị coi trọng tinh thần dân tộc ra sao. Nhưng trong chuyện này, đáng tiếc, chị hồ đồ, thậm chí hớ hênh! Và tôi lo lắng, biết đâu đến 1 ngày, con cái chúng ta suy nghĩ lệch lạc đi, cũng cho rằng người Việt thích chiến tranh đến mức ca ngợi “còn 1 cái lai quần cũng đánh”, chỉ vì đọc những bài viết như thế từ 1 người là chuyên gia ở bên kia bán cầu, mà cha mẹ chúng lại chẳng phản hồi gì cả.
Phải chăng, chính các ông bố bà mẹ chúng ta đã quá coi trọng những vấn đề phát sinh trong đời sống hàng ngày: ăn uống, tập luyện, học chữ, nấu ăn… mà quên đi những vấn đề hệ trọng hơn: gửi đến các con tư tưởng và tinh thần dân tộc?
Tôi bắt đầu cho con xem những tấm bản đồ. Vì con còn nhỏ, nên tấm bản đồ ấy chỉ ở dạng cơ bản với những đường nét bao quát nhất. Dải đất hình chữ S này là đất nước của ta. Sau lưng chúng ta là cả 1 khối Đông Nam Á, và trước mặt chúng ta là biển Đông, có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đất nước ta là dấu gạch nối chiến lược và quan trọng, nối Đông sang Tây, nối Nam và Bắc. Người Việt biết đến biển từ thuở khai thiên lập địa. Biển có trong trí nhớ ông bà ta từ thuở 50 người con theo mẹ lên rừng, tiễn biệt 50 người con xuống biển cùng cha.
Những bộ phim hoạt hình về lịch sử Việt Nam cũng được tôi tận dụng, thay vì để con mò mẫm xem những hình nhân, robot kiểu “anh hùng máy” trên Youtube mà chưa 1 lần biết đến những người anh hùng của dân tộc mình. Tôi cho con đi các viện bảo tàng, mua những bộ truyện tranh về lịch sử. Tôi muốn con tin rằng, người Việt yêu hòa bình hơn xương máu. Nên người Việt đã nhiều lần đứng lên, hi sinh xương máu, để bảo vệ hòa bình cho những thế hệ sau.
2. Những người mẹ ở nơi nào cũng đẹp!
Tôi dạy con mình yêu nước, không có nghĩa là chỉ đề cao duy nhất dân tộc mình. Suy cho cùng, mọi suy nghĩ cực đoan, đẩy sự việc về 2 hướng đối lập nhau đỉnh điểm, đều là bóp méo bản chất vấn đề. Giữa việc bênh vực chằm chằm quốc gia, dân tộc mình, với việc chê bai, vùi dập văn hóa, lối sống của 1 dân tộc khác, suy cho cùng, đều tệ như nhau. Nói đến đây, tôi không khỏi chạnh lòng khi có vô số các bà mẹ Việt đang tự coi mình lép vế trước mẹ Tây. Họ cố công học hỏi mọi thứ từ 1 nền văn hóa khác trong giáo dục, nuôi dưỡng con cái mà quên mất những tinh hoa trong nền giáo dục truyền thống Việt Nam.
Ít ai còn (muốn) tin rằng cơm mớm, cơm nhá của các bà cụ Việt sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch. Cùng là để tập nhai, nhưng bánh ăn dặm với hàng tá chất bảo quản không thể ngon và tốt bằng một nắm cơm. Rằng mít, xoài, vải, nhãn… (các loại quả nóng, nhiều đường), khi sử dụng đúng mức mới chính là nguồn dinh dưỡng tốt cho con trong mùa hè nóng nực, bởi nó giúp con ra nhiều mồ hôi, thải độc, thanh lọc cơ thể, chứ không phải là việt quất, nho Mỹ hay táo Úc… mà nhiều mẹ đổ xô, chấp nhận giá cả đắt đỏ, nguồn gốc mập mờ để mua về vì sợ con lên mụn. Mùa nào thức nấy đã là triết lý của cả 1 nền y học phương Đông, tồn tại hàng nghìn năm lịch sử, với cả sự tiến hóa và thích nghi mạnh mẽ của con người.
>>> Xem thêm: Nuôi con, đừng “nhàn thân” quá mà hóa ích kỉ!
Cũng có ít ai thật sự hiểu rằng chỉ có mẹ Việt mới đủ kiên cường để thức trắng cả đêm mà dỗ dành, ôm ấp con vào lòng, không một lời mắng mỏ khi con quấy khóc. Khoan hãy nói với tôi rằng thế giới hiện đại đã áp dụng phương pháp “cry it out” – đẩy các em bé ra nôi, ngủ riêng từ khi mới 2 tuần, và cả đêm không cần phải dỗ dành. Khoan hãy phán xét rằng tôi cứ “xoắn” theo cái quan niệm ấy, thì chỉ trở thành bà mẹ chồng lạc hậu. Thông tin mới nhất là thế giới đã phải suy nghĩ lại, vì có quá nhiều bằng chứng chứng minh tỷ lệ tội phạm, bạo lực, hiện tượng con cái quá lạnh lùng vô cảm với cha mẹ đang ngày 1 gia tăng là có liên quan đến cách giáo dục, chăm sóc thiếu kiên nhẫn của những bà mẹ luôn muốn “nhàn thân”, lý trí quá mức, vô tình đẩy con vào tình trạng xa rời cha mẹ, thiếu thốn tình yêu thương. Xét từ cái nhìn ấy, tôi khẳng định, “mẹ Tây” còn phải ngả mũ trước “mẹ Việt” nhiều lần!
Trẻ em phương Tây được học bơi, nghịch đất từ 6 tháng để tăng cường vận động. Trẻ Nhật Bản được đi chân đất nặn tuyết từ khi 1 tuổi để phát triển giác quan. Vậy mà có bao nhiêu bà mẹ biết tự hào rằng trẻ Việt được nghe thơ lục bát, lại được diễn xướng dưới dạng âm nhạc dân gian qua những bài hát ru từ những giờ phút đầu tiên chào đời – điều này không những phát triển giác quan, tăng cường tư duy trừu tượng và khả năng ngôn ngữ, mà quan trọng hơn nữa là khơi gợi tình yêu thương của trẻ. Và yêu thương là động lực đúng đắn nhất cho tất cả mọi hành vi và sự phát triển của con người! Tôi không mắc bệnh lạc quan tếu đâu, nhưng tôi cho rằng phương pháp hát ru của những bà mẹ Việt xứng đáng được lan truyền sục sôi trên internet của các nước phương Tây, không khác gì phương pháp dạy bơi cho trẻ sơ sinh, gây chú ý 1 thời và náo động trên diễn đàn của các bà mẹ Việt.
Nghĩ đôi điều về hình ảnh đất nước bị 1 chị chuyên gia giáo dục bóp méo đi, lại nghĩ đến sự lép vế của các bà mẹ Việt, tôi không có ý bảo thủ ôm khư khư cái mớ kiến thức cũ kỹ, mớ kinh nghiệm truyền miệng mà không khoa học. Tôi chỉ cho rằng, mẹ Việt cũng đẹp đẽ giỏi giang, cũng kiên cường không kém, thậm chí có những điều hơn cả những bà mẹ ở bên kia bán cầu. Dù sao, tiếp thu và ứng dụng cái mới, cũng cần phải tạo ra thế cân bằng trong điều kiện và hoàn cảnh của những bà mẹ Việt. Bởi, sự cân bằng ấy còn là phương pháp giáo dục con cái cách hiểu, và cách nghi đúng đắn về đất nước, về văn hóa Việt.
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.