Nhân loại thường nhắc đến chó Laika – con vật được coi là tiên phong trong việc mở đường đưa sự sống lên quỹ đạo trái đất. Nhưng sự thật không chỉ mình Laika mà còn có nhiều chú chó khác tham gia các cuộc thử nghiệm này.
Laika trên Sputnik 2 (Ảnh: Spacetoday) |
Ngày Yuri Gagarin bay vào vũ trụ, đã đánh dấu kỷ nguyên chinh phục khoảng không gian bao la của loài người. Để có được dấu mốc quan trọng đó, các nhà khoa học đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm bằng những lần phóng tàu vũ trụ mang theo sinh vật. Đầu tiên phải kể đến 2 chú chó có tên Digan và Dezik được tên lửa đẩy của Liên Xô phóng vào không gian vào tháng 7/1951. Cuộc thử nghiệm này đã thành công, Digan và Dezik trở về trái đất an toàn trong khoang chứa được tiếp đất bằng dù.
Những năm tiếp theo, các cuộc thử nghiệm vẫn được tiếp tục với những điều kiện và thiết bị ngày càng cải tiến. Hàng chục chú chó đã được tên lửa đẩy phóng vào không trung để tìm ra lời giải về sự sống trong khoảng không. Tuy nhiên những lần thử nghiệm trên đều chưa thể là các cuộc “du hành vũ trụ”, bởi các chuyến bay chưa vượt ra khỏi bầu khí quyển để tới quỹ đạo của trái đất.
Ngày 4/10/1957, với tên lửa có vận tốc gần 25.000 km/giờ, Liên Xô là nước đầu tiên đã thắng được sức hút của trái đất, đưa được vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo. Chỉ một tháng sau, ngày 3/11/1957, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên với tư cách là chuyến du hành vũ trụ thực sự với sự tham gia của chú chó Laika trên con tàu Sputnik 2 được tiến hành. Sputnik 2 nặng hơn nửa tấn với những thiết bị khoa học dùng để đo độ bức xạ của mặt trời, kiểm tra tính chất của các tầng nằm ngoài khí quyển cũng như các thiết bị theo dõi chỉ số sinh học của Laika đã bay 2.570 vòng quanh trái đất trong vòng 7 ngày. Tuy vậy, do những thông tin về sự sống của Laika trong 6 tiếng ngắn ngủi đó lại vô cùng quý giá cho công cuộc chuẩn bị đưa người vào vũ trụ.
Sau Laika, còn có nhiều chú chó khác được các nhà khoa học Xô viết đưa lên khoảng không. Tháng 8/1960, chuyến bay thử nghiệm với 2 chú chó Belka và Strelka đã thu được thành công rực rỡ. Hai “nhà du hành vũ trụ 4 chân” này đã trở về trái đất an toàn sau khi bay lượn 17 vòng quanh quỹ đạo, được đón tiếp khá long trọng. Thắng lợi này đã chứng minh rằng, với những kỹ thuật hiện tại cho phép con người có thể sinh sống và làm việc trên quỹ đạo trái đất. Được tin về chuyến bay, Jacqueline Kennedy – vợ của Tổng thống Mỹ đương thời John F.Kennedy – đã gửi điện chúc mừng đến các nhà lãnh đạo Liên Xô và xin được tặng một trong những hậu duệ của Strelka. Đáp lại yêu cầu, phía Liên Xô đã gửi tặng bà chú chó trắng Puchok, con của Strelka
Hai chú chó Nga Belka và Strelka (Ảnh: Spacetoday) |
Bốn tháng sau chuyến bay của Belka và Strelka, tháng 12/1960, chuyến bay thử nghiệm với hai chú chó Alpha và Zhulka đã không đưa lại kết quả như mong đợi. Con tàu bị sự cố, buồng chứa buộc phải phóng khỏi tàu ngoài dự kiến ban đầu. Chiếc dù mang theo buồng chứa Alpha và Zhulka rơi xuống vùng Siberi hoang vu. Nhưng kỳ diệu thay, hai nhà du hành bé nhỏ này vẫn sống khỏe mạnh. Bốn tháng sau đó, Tổng công trình sư Sergei Korolev lại cho thực hiện chuyến bay thử nghiệm với chú chó Zvedochka (Ngôi sao nhỏ). Có người nói rằng, ban đầu nó có tên là Udachi (Thắng lợi) nhưng khi chuẩn bị phóng đi, chính Yuri Gagarin đã đặt lại tên cho nó.
Với cái tên này, chó Zvedochka đã đi vào lịch sử hàng không vũ trụ sau khi thực hiện thành công một chuyến bay với những điều kiện gần như chuyến bay của Yuri Gagarin về cả máy móc, thời gian bay và điều kiện đổ bộ. Với những kết quả thu được, các nhà khoa học Xô Viết mới quyết định phóng tàu Phương Đông 1, đưa Yuri Gagarin phi hành gia đầu tiên của loài người bay vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên chinh phục khoảng không bao la.
Theo VnExpress