Nhân loại trên khắp hành tinh tôn vinh những người bố vào ngày 21/6 hàng năm. Trong thế giới động vật cũng có vô số ông bố tận tụy với sự nghiệp nuôi con.
Một chú cá ngựa con cưỡi lên đuôi bố để dạo chơi. Cá ngựa là loài mà con đực gánh vác trách nhiệm mang thai. Đến mùa sinh sản, con cái đẻ trứng vào túi ấp của cá đực. Sau đó con đực truyền tinh dịch xung quanh trứng. Thời gian mang thai của cá đực kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần. Thông thường cá ngựa sống thành từng cặp.
Những cá thể đực của loài bọ nước lớn tại Bắc Mỹ mang theo khoảng 150 trứng trên lưng cho tới khi trứng nở. Sau khi giao phối, con cái đẻ trứng lên lưng con đực. Những quả trứng bám được trên lưng nhờ một chất keo tự nhiên. Trong vòng 3 tuần sau đó, con đực sẽ chăm sóc trứng rất chu đáo. Chúng tỏ ra cực kỳ hung dữ khi bảo vệ trứng và thường xuyên phơi mình ngoài không khí để ngăn chặn sự tấn công của nấm mốc.
Khỉ đực marmoset (còn gọi là khỉ lùn) tại Nam Phi bế, chải lông và cho con ăn ngay từ khi chúng lọt lòng mẹ. Khi con cái đẻ, chúng còn làm sạch cơ thể con bằng cách liếm quanh người. Khỉ đực phải chu đáo như vậy vì nguy cơ tử vong trong khi sinh ở khỉ cái rất cao. Trọng lượng khỉ con thường chiếm tới 25% trọng lượng con mẹ, nghĩa là giống như một phụ nữ 55 kg sinh hạ đứa con 14 kg.
Ở phần lớn loài chim, nhiệm vụ chăm sóc con thuộc về con cái, nhưng điều này không xảy ra ở loài đà điểu Nam Mỹ. Trong mùa sinh sản, con cái giao phối với nhiều con đực và đẻ trứng trong tổ do một con đực tạo ra. Sau đó con đực ấp khoảng 50 trứng trong 6 tuần. Sau khi trứng nở chúng đảm nhiệm luôn việc chăm sóc lũ đà điểu non. Chim đực rất hung dữ khi bảo vệ con, sẵn sàng tấn công mọi loài động vật, kể cả đà điểu cái, khi có kẻ tiến tới gần con.
Cá thể cái của loài ếch sủa tại châu Mỹ thường đẻ trứng bên dưới các khúc gỗ hoặc tảng đá. Sau đó việc bảo vệ trứng thuộc về ếch đực. Các chàng ếch sẽ túc trực bên cạnh trứng trong nhiều tuần. Chúng tưới nước tiểu lên trứng để duy trì độ ẩm cho đến khi trứng nở. Ở một số loài ếch khác, con đực ngậm nòng nọc trong miệng hoặc bọc chúng bằng một màng dày xung quanh chân. Đó là nơi an toàn để nòng nọc phát triển.
Gián ăn gỗ có thể loài côn trùng khó chịu đối với con người, song có một thực tế không thể phủ nhận là chúng rất tuyệt vời khi làm bố. Ngoài việc làm tổ, con đực còn tìm kiếm thức ăn cho con. Đây là hiện tượng cực kỳ hiếm hoi trong thế giới côn trùng. Gián bố thậm chí còn ăn cả phân chim để lấy nitơ – nguyên tố cần thiết cho lũ con của chúng. Loài gián này rất sạch sẽ. Chúng thường xuyên làm sạch tổ để ngăn chặn sự xâm nhập của nấm.
Những ông bố của loài chim cánh cụt hoàng đế sẵn sàng chịu đựng cái lạnh thấu xương trong nhiều tuần để ấp trứng. Sau khi chim cái đẻ quả trứng duy nhất, “chồng” của nó sẽ dùng cơ thể để sưởi ấm cho trứng. Trong suốt 4 tháng sau đó, chim cái sẽ kiếm thức ăn ngoài đại dương, còn chim đực chỉ ấp trứng và chờ đợi. Khi trứng nở chim cái sẽ trở về để chăm sóc con.
Theo VnExpress (National Geographic)