Nhiều bộ xương hóa thạch của khủng long góp phần làm thay đổi nhận thức của các nhà khoa học về loài vật từng một thời thống trị thế giới.
Megalosaurus. (Ảnh: Fact Inside).
Theo IIFL Science, Megalosaurus bucklandi hay bò sát to lớn vùng Buckland là loài khủng long đầu tiên được phát hiện và mô tả một cách khoa học. Hóa thạch không hoàn thiện này được tìm thấy trong các mỏ đá thuộc ngôi làng ở Stonefield, Oxfordshire, Anh năm 1815. Hiện nay, xương, răng và hàm của loài vật được trưng bày tại Bảo tàng Đại học Oxford. Nhà giải phẫu học Georges Cuvier đã ghé thăm Oxford để nghiên cứu các mẫu hóa thạch này.
Với sự giúp đỡ của Cuvier, William Buckland mô tả hóa thạch này trong bài báo khoa học xuất bản năm 1824. Cả Buckland và Cuvier đều suy luận rằng những mẩu xương thuộc về một loài bò sát khổng lồ, chưa từng thấy từ trước đến nay. Hơn một thập kỷ sau, những mẫu xương khác lớn hơn được tìm ra ở Anh. Nhà giải phẫu người Anh Richard Owen tiến hành nghiên cứu và kết luận loài bò sát này hoàn toàn khác biệt với những loài con người đã biết. Chúng cần được xếp vào một nhóm hoàn toàn mới dành cho bò sát hóa thạch khổng lồ tên Dinosauria. Trước năm 1842, con người chưa từng biết đến khủng long và Megalosaurus là loài đầu tiên.
Archaeopteryx. (Ảnh: John Sibbick).
Khi xuất bản cuốn Nguồn gốc Muôn loài năm 1859, Charles Darwin làm cả thế giới chấn động và khơi gợi hứng thú của các nhà khoa học về quá trình tiến hóa của loài vật. Cuốn sách đưa ra nhiều dẫn chứng nhằm kết luận rằng sự sống hữu cơ đã thay đổi hoặc tiến hóa qua thời gian.
Một năm sau khi cuốn sách ra đời, các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch hóa thạch bộ xương của một loài vật to bằng con quạ trong mỏ đá phía nam nước Đức. Richard Owen đặt tên loài vật này là Archeopteryx lithographica.
Hóa thạch này rất lạ vì có thể nhìn thấy dấu lông vũ quanh xương (nghĩa là nó thuộc về một loài chim), nhưng lại có dấu răng rất rõ ràng (loài chim không có răng), chi trước với ba ngón phát triển (chim không có móng vuốt kiểu này), phần đuôi với một chuỗi đốt xương nhỏ và lông đuôi xòe ra hình dẻ quạt (chim không chuỗi xương đuôi dài).
Loài vật chính là “mắt xích còn thiếu” giữa các loài chim lông vũ ngày nay với loài bò sát có vảy, răng mọc vòng quanh hàm, móng vuốt và đuôi dài. Vài năm sau, một người bạn và đồng nghiệp của Darwin là Thomas Henry Huxley công bố phát hiện. Dựa theo cấu trúc của Archaeopteryx, ông kết luận được rằng chim và khủng long có họ với nhau.
Khi đó, nhiều người không đồng tình với Huxley, nhưng các phát hiện khoa học sau này giúp khẳng định kết luận của ông. Hiện nay, hóa thạch được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London Anh.
Diplodocus. (Ảnh: Wild Republic).
Andrew Carnegie, một nhà tài phiệt cực kỳ giàu ở nửa cuối thế kỷ 19, đã thành lập bảo tàng mang tên mình tại thành phố Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ. Ông cấp vốn cho các đoàn thám hiểm tìm kiếm xương khủng long trong khu vực phía bắc Wyoming và phía nam Utah để đưa về bảo tàng. Kết quả họ tìm thấy bộ xương khủng long gần như hoàn thiện lớn nhất từ trước đến nay.
Bộ xương được đặt tên Diplodocus carnegiei. Sau khi được phục dựng, con vật hoàn chỉnh dài hơn 25m và có dáng thấp lùn.
Carnegie rất tự hào về phát hiện này. Ông tạo nhiều bản sao của bộ xương và gửi đến các bảo tàng khác trên thế giới.
Deinonychus. (Ảnh: Dinopedia).
Giữa thập niên 1960, nhà khảo cổ học John Ostrom ở Đại học Yale, Mỹ, có một phát hiện khiến loài người phải thay đổi suy nghĩ về loài khủng long, về đặc điểm sinh học cũng như hành vi của chúng. Ostrom tìm thấy những mẩu còn sót lại của một loài khủng long ăn thịt cỡ trung bình ở Montana. Ông đặt tên nó là Deinonychus antirropus.
Ostrom nhận ra loài vật này di chuyển rất nhanh, cực kỳ thông minh và kiên nhẫn săn mồi. Trước kia, người ta cho rằng khủng long là loài chậm chạp, ì ạch và phản ứng chậm. Dựa vào giải phẫu học, ông cũng chứng minh chúng khá giống chim, vì thế có thể loài chim đã tiến hóa từ loài khủng long.
Scelidosaurus. (Ảnh: kidsdinos).
Năm 1858, các mẩu xương khủng long được phát hiện trên vách đá có niên đại thuộc kỷ Jura ở Charmouth, Anh. Sau đó, một khung xương gần hoàn chỉnh của khủng long được khai quật và trao cho Richard Owen ở Bảo tàng Anh tại London.
Owen đặt tên cho loài vật là Scelidosaurus harrisonii. Tuy vậy, ông không nắm được tầm quan trọng của việc giải phẫu mẫu vật này, hay việc nó có thể giúp chỉ ra sự khác nhau giữa các nhóm khủng long.
Sinosauropteryx. (Ảnh: Julius T.Csotonyi).
Năm 1996, các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch khủng long ở Liaoning, Trung Quốc. Chúng thuộc về một con khủng long ăn thịt nhỏ, bé hơn nhưng có nhiều điểm tương tự Deinonychus.
Năm 1998, loài vật được mô tả ngắn gọn và đặt tên là Sinosauropteryx prima. Điều đặc biệt nhất ở hóa thạch chính là thứ hiện lên trên phiến đá chứa hóa thạch: dấu vết mờ tối như dấu vân phía sau lưng, vết đen ở vị trí mắt, khối đen trong khoang ruột. Dường như một số mô cơ thể của con khủng long này được bảo quản trong những khối đá ở Liaoning.
Dấu vân đằng sau lưng con khủng long giống lông thú. Lớp biểu bì bao ngoài có thể là lớp cách nhiệt. Dựa vào nghiên cứu của Ostrom về Deinonychus, các nhà khoa học kết luận con khủng long có khả năng giữ ấm cơ thể.