Những phát kiến vĩ đại được sinh ra từ ý tưởng “quái đản”

Những phát kiến vĩ đại được sinh ra từ ý tưởng

Đó là những ý tưởng về thuốc súng, kính thiên văn, y học hiện đại…

Dõi theo lịch sử nhân loại, có không ít phát kiến và ý tưởng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người mê tín và thiếu hiểu biết. Để những ý tưởng đó được công nhận, các nhà khoa học đã phải đấu tranh rất nhiều, thậm chí phải đổ máu để bảo vệ lập trường của mình.

Tuy nhiên bên cạnh đó, một số phát minh vĩ đại của loài người lại đến từ những ý tưởng… có phần “trời ơi đất hỡi”, không liên quan, nhưng lại làm nền tảng cho nền văn minh loài người hiện nay.

1. Ý tưởng về thuốc y học hiện đại: đun nóng tinh trùng người rồi chôn cùng phân ngựa

Cho đến thế kỉ XVI, ý tưởng về một viên thuốc tổng hợp những chất cần thiết để chữa một loại bệnh bất kỳ vẫn còn khá mới mẻ. Và người đưa ra ý tưởng này là bác sĩ người Thuỵ Sĩ tên Paracelsus.

Paracelsus cho rằng, trong con người có 4 “chất dịch cơ bản” (máu, đờm, nước mắt và mật). Sức khỏe là kết quả của sự cân bằng 4 chất dịch này trong cơ thể mỗi người.

Nếu bị mắc bệnh, hẳn đó là do là các tác nhân bên ngoài khiến đảo lộn thế cân bằng của các “chất dịch”. Kết quả là có bao nhiêu cá nhân thì có bấy nhiêu loại bệnh tật. Các tác nhân này rồi cũng sẽ được loại bỏ bằng phương pháp điều trị thích hợp.


Chân dung vị bác sĩ Paracelsus

Ngoài ra theo ông, cơ thể người là một cấu trúc hoàn hảo, đó là phiên bản thu nhỏ của vũ trụ, với 7 cơ quan tượng trưng cho 7 hành tinh thời bấy giờ.

Nhưng ý tưởng của Paracelsus dần trở nên xa rời thực tế khi ông tin rằng mình có thể thực sự “làm nên” một con người với những nguyên liệu thích hợp. Ông lấy tinh trùng người đun nóng trong ống nghiệm, rồi chôn cùng… phân ngựa trong 40 ngày. Sau đó, ông quả quyết mình đã tạo ra một người tí hon biết nói.

Paracelsus quyết định công bố khám phá của mình cho các nhà khoa học thời bấy giờ. Tuy nhiên khi họ nhìn thấy bát phân ngựa thì tất cả đều… bỏ chạy, mặc cho Paracelsus diễn giải. Các nhà khoa học từ đó nghiên cứu và chế tạo ra các loại thuốc hiện tại.

2. Ý tưởng về kính thiên văn: đi tìm người sống trên cung trăng

Sao Thiên Vương – Uranus được phát hiện vào năm 1781 bởi nhà thiên văn học kiêm kỹ sư và nhạc sĩ người Anh gốc Đức – William Herschel. Khi đó, người nghệ sĩ tài năng đã chế tạo một bộ kính viễn vọng độc nhất vô nhị, dài khoảng 2m, dựa trên ý tưởng của Isaac Newton.


Chân dung của William Herschel

Phát minh này được coi là hình mẫu xây dựng kính thiên văn sau này. Nhưng ít ai biết rằng, mục đích thực sự của Herschel khi tạo ra chiếc kính tuyệt vời như vậy là để tìm ra người sống trên… cung trăng.

Khi đó, Herschel đã bị thôi thúc bởi ý tưởng Mặt trăng có người sinh sống. Ông cho rằng, mình đã nhìn thấy những khu rừng, thị trấn, thành phố tấp nập người qua lại trên Mặt trăng.

Thực chất, đây chỉ là những hố tròn trên bề mặt Mặt trăng mà thôi. Rồi sau đó, William Herschel kết luận, tất cả những hành tinh trong hệ Mặt trời đều mang sự sống, có nhiều người sống trên đó.

Hơn thế, ông khẳng định, Sao Hỏa có đại dương và cũng tồn tại mùa trong năm giống Trái đất. Thậm chí, Herschel còn cho rằng, Mặt trời tự nó mang sự sống và bản chất không giống một quả bóng khí khổng lồ và luôn rực cháy. Nhờ các nghiên cứu, 5 năm sau, William Herschel đã tìm ra Thiên Vương tinh – Uranus, còn người Mặt trăng thì không thấy đâu.

3. Ý tưởng về thuốc súng: truy lùng thuốc trường sinh bất lão

Thuốc súng là một trong 4 phát minh vĩ đại của người Trung Quốc. Nhờ đó mà loài người hiện nay mới được thưởng thức những màn pháo hoa tuyệt đẹp, cùng nhiều ứng dụng phục vụ cho loài người (như phá đá). Dù vậy, ta không thể phủ nhận, đây cũng là công cụ gây ra nhiều cuộc chiến tranh hủy diệt đẫm máu.

Nhưng ít ai biết rằng, thuốc súng chỉ tình cờ được phát hiện ra khi người Trung Quốc đang trên con đường truy lùng thuốc “trường sinh”. Bao đời vương triều Trung Quốc đều có một mục tiêu, đó là tìm ra loại thuốc “trường sinh bất lão”.

Trải qua hàng trăm năm, những nhà giả kim thuật Trung Quốc tích cực nghiên cứu, đặc biệt chuyên sâu về những kim loại có tính chất khác thường như vàng – rất khó bị ăn mòn hay thủy ngân – kim loại lỏng và lưu huỳnh…

Họ phát hiện ra lưu huỳnh rất dễ cháy, nhất là khi trộn với diêm sinh (Kali nitrat- KNO3). Rất nhiều người khi đun nóng hỗn hợp này đã bị bỏng nặng, nhà cửa bị thiêu rụi, thậm chí tử vong.

Cuối cùng, mục đích tạo ra thuốc “trường sinh bất lão” của người Trung Quốc đã không thành, nhưng dù sao họ cũng thành công với một phát minh tuyệt vời được sử dụng cho đến ngày nay.

4. Ý tưởng tạo ra la bàn: thìa và đĩa

Trước kia, khi không muốn lạc lối trong mỗi chuyến hành trình, chúng ta thường xác định phương hướng bằng Mặt trời hoặc các vì sao. Nhưng khi phải di chuyển vào thời tiết xấu hoặc buổi tối, la bàn là một công cụ tuyệt vời.

Trung Quốc chính là nơi khởi nguồn của la bàn, với “kim chỉ nam” của họ. Có điều họ nghĩ ra nó để phục vụ cho phong thủy, như sắp xếp các đồ đạc trong nhà theo hướng nhất định để tạo ra những luồng năng lượng dịch chuyển tự nhiên nhất có thể.

Nguyên do là bởi người Trung Quốc khi sống tại khu đất mới thường có ý muốn sống yên bình với thiên nhiên và môi trường xung quanh, nên họ thường xây nhà dựa trên trục Bắc – Nam.

Ban đầu, “kim chỉ nam” của người Trung Quốc chỉ là một cái thìa, hoặc 1 cục đá nhọn bằng Nam châm (tượng trưng cho sao Bắc Đẩu). Chúng được thả vào nước, hoặc trong một cái đĩa (trong phong thủy tượng trưng cho Trái đất). Nam châm sẽ xoay tròn và luôn chỉ về hướng Nam.

Các nhà thám hiểm và thủy thủ nhận thấy rằng công cụ này vô cùng hữu dụng cho những chuyến phiêu lưu và hành trình dài nên đã nghiên cứu và phát triển thành la bàn. Từ đó, la bàn trở thành một trong những phát minh quan trọng nhất của loài người.

 

Theo Tri Thức Trẻ