Trong giai đoạn này, những đặc điểm cho thấy trẻ đã phát triển về khả năng ngôn ngữ như sau:
Thứ nhất, trẻ thường thích nói lặp lại những gì người khác nói. Vào giai đoạn này, trẻ có thể lặp lại những câu dài với đầy đủ chủ vị. Khi tự mình nói chuyện, nội dung câu cũng phong phú hơn. Trẻ có thể bi bô những câu như “cái này là của mẹ, cái kia mới là của bố” hoặc có thể nhớ được tuổi của mình và trình bày rõ ràng.
Thứ hai, trẻ đã có thể biểu đạt những sự việc dựa vào suy luận của mình. Ví dụ, khi trẻ đi đâu đó với mẹ về nhà và không thấy xe của bố, trẻ có thể nói: “Mẹ ơi, bố còn chưa về”. Lúc này, ngôn ngữ của trẻ đã bắt đầu xa rời những hoàn cảnh thực tế, cụ thể, từ hình tượng chân thực, chuyển sang những nội dung cần sự lô-gic và biểu đạt tư duy nhiều hơn.
Thứ ba, trẻ có thể dùng ngôn ngữ để miêu tả người hoặc vật có mối quan hệ với nhau. Ví dụ: “cái ô tô này của con, cái gối kia là của mẹ”. Hoặc: “cái này của con, con không cho bố”.
Thứ tư, trẻ có thể dùng ngôn ngữ để bình phẩm người hoặc sự vật. Ví dụ như nhìn thấy một đứa trẻ không nghe lời, con bạn có thể nói “bạn ấy hư mẹ nhỉ…”
Những phương pháp sau đây có thể giúp bạn nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ của trẻ:
Phương pháp 1: Dạy trẻ lặp lại lời nói
Thật ra phương pháp này rất đơn giản, mẹ chỉ việc nhờ trẻ chạy ra gọi bố và nhắn lại những lời mẹ muốn nói với bố. Trẻ không nhất thiết phải nói lại toàn bộ, nhưng việc ghi nhớ và thuật lại sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc học từ mới và câu.
Phương pháp 2: Đặt câu hỏi và trả lời
Khi đi đâu đó cùng trẻ, bạn hãy cố gắng đặt nhiều câu hỏi để trẻ có thể trả lời với phán đoán của mình, từ đó giúp trẻ phát triển khả năng biểu đạt. Ví dụ, bạn có thể hỏi xe gì đang chạy trên đường, bạn nhỏ ở phía trước là nam hay nữ…
Phương pháp 3: Dạy trẻ có khái niệm về thời gian
Bạn có thể dạy trẻ có khái niệm về thời gian để nói những câu phù hợp. Ví dụ, khi trời sáng, trẻ có thể nói với người nhà, bạn bè của mình là chào buổi sáng. Buổi tối thì chúc ngủ ngon. Sau khi trẻ dần có khái niệm về thời gian, có thể hỏi trẻ những câu như: ngày mai chúng ta đi chơi vào buổi sáng hay chiều…
Phương pháp 4: Dạy trẻ học thuộc lời bài hát, lời thơ
Ở giai đoạn này trẻ đã có thể nhớ những bài hát, bài thơ đơn giản. Việc học hát và đọc thơ sẽ giúp trẻ phát triển tốt về luyện giọng, nhớ từ và nhìn sự vật nhiều màu sắc hơn.
Phương pháp 5: Dạy trẻ những câu dài
Bạn có thể dạy trẻ nói những câu ghép, mô tả nhiều hiện tượng, nói đến nhiều đối tượng một lúc để câu nói của trẻ có thể phong phú hơn.
Phương pháp 6: Kể chuyện
Trẻ khoảng 2-3 tuổi thực sự thích được nghe kể chuyện hơn nữa trong lúc trẻ nghe kể chuyện, bạn cũng có thể nhận biết được trẻ có tinh ý, thông minh hay không, chính vì thế hãy cố gắng duy trì thói quen “mẹ kể con nghe” đến khi trẻ hết thích điều đó. Trong khi kể chuyện, bạn có thể trả lời những thắc mắc của trẻ, đọc xong câu chuyện, hãy hỏi ngược lại “truyện tên gì”, nội dung ra sao…
Phương pháp 7: Dạy trẻ thuật lại câu chuyện
Hãy thường xuyên hỏi trẻ những câu hỏi như hôm nay ở lớp như thế nào, được nghe câu chuyện gì để trẻ có thể kể cho bạn nghe. Tương tự, sau khi kể chuyện cho trẻ nghe, hãy hỏi trẻ có thể thuật lại được không, và “mớm lời” nếu chẳng may trẻ quên mất. cách làm này không chỉ giúp tăng cường khả năng tập trung, ghi nhớ, mà còn tăng khả năng diễn đạt cho trẻ.
Tuyết Trang
Bí quyết giúp trẻ nhanh biết nói các mẹ cần biết