Những quả bom thông minh có cánh

Những quả bom thông minh có cánh

Quân đội Australia sẽ là lực lượng vũ trang đầu tiên sử dụng phiên bản bom vạn năng thông minh tiên tiến nhất do tập đoàn Boeing chế tạo.

Nếu xem lại những bộ phim tài liệu cũ về các chiến dịch ném bom trong Thế chiến thứ hai, bạn sẽ thấy máy bay thả bom từ “bụng” của chúng. Điều nghịch lý là những quả bom đó không nhằm vào bất kỳ mục tiêu nào. Phi công nhấn nút để chúng rơi xuống với hy vọng chúng sẽ rơi trúng mục tiêu nào đó. Vị trí rơi của bom phụ thuộc vào lực hấp dẫn của trái đất và gió. Người ta hay gọi chúng là “bom ngu”. Dù phi công muốn thả bom vào một mục tiêu lớn (như hồ chứa nước chẳng hạn), việc bom rơi đúng vị trí mà họ muốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn.

Bom được dẫn hướng đã ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhờ sự hỗ trợ của camera, tia laser, hệ thống điều khiển bằng sóng radio và các thiết bị khác. Khả năng rơi trúng mục tiêu của loại bom này cao hơn so với bom trong Thế chiến thứ hai, song chi phí sản xuất chúng cũng lớn hơn. Dù độ chính xác tăng, khả năng tiêu diệt mục tiêu của chúng cũng vẫn phụ thuộc vào may mắn. Vì thế, từ sau Thế chiến thứ hai tới tận Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991, phần lớn bom vẫn được gọi là “bom ngu”.

Những quả bom thông minh có cánh
Hình minh họa một quả bom JDAM-ER. (Ảnh: Boeing)

Sau Chiến tranh vùng Vịnh, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn chế tạo một loại vũ khí không đối đất có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình. Trong vòng một thập kỷ sau đó, nhiều tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ đã nghiên cứu loại bom theo yêu cầu của Lầu Năm Góc. Tập đoàn Boeing chế tạo một loại bom vạn năng mang tên Joint Direct Attack Munition (JDAM). Đây không phải là một loại bom mới. Trên thực tế Boeing chỉ tìm cách tăng “trí thông minh” cho những loại bom đã tồn tại bằng cách lắp cánh và trang bị thêm bộ điều khiển ở đuôi của bom. Quá trình điều khiển được thực hiện bởi sự kết hợp giữa hệ thống định vị toàn cầu và hệ dẫn quán tính ba trục.

Nếu mang theo bom JDAM, máy bay có thể ném từ độ cao 8 tới 24km – khoảng cách khá an toàn đối với phi công. Ngoài ra phi công còn có thể ném bom khi máy bay đang lao xuống hoặc bay lên. Bom JDAM có thể tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi có bán kính 13m tính từ vị trí chạm đất của nó. Do chi phí sản xuất bom JDAM khá thấp (27.000 USD/quả) nên 26 nước đã sử dụng loại bom này và 238.000 bộ điều khiển đã được sản xuất.

Phiên bản mới nhất của bom JDAM là JDAM-ER (viết tắt của JDAM Extended Range) do Boeing thiết kế. Loại bom này có khối lượng gần 227kg và sẽ được sản xuất tại Australia. Không quân Australia sẽ là lực lượng đầu tiên sử dụng chúng. Điểm khác biệt của nó so với những phiên bản trước là cánh bom sẽ chỉ mở ra sau khi bom được ném từ máy bay. Với JDAM-ER, người ta có thể làm tăng độ chính xác của nó bằng các trang bị thêm cảm biến laser, thiết bị chống nhiễu cho hệ thống định vị toàn cầu, cảm biến radar có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Boeing đã thử nghiệm thành công bộ dẫn hướng dành cho bom JDAM-ER trong các đường hầm từ tháng 9 năm nay.

“Nhờ sử dụng bom JDAM-ER, không quân Australia sẽ có thể giảm nguy cơ thương vong đối với phi công, cho phép các máy bay tấn công mục tiêu từ độ cao mà các loại pháo phòng không của đối phương không thể tiêu diệt. Với bom mới, không quân của chúng tôi có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu những lại giảm số lần xuất kích”, Jason Clare, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, tuyên bố.

 

Theo VNE