Amip ăn não, liên cầu khuẩn, ấu trùng ruồi trâu, ấu trùng nhặng xanh, nhện nâu độc là 5 loài ký sinh sử dụng thịt người làm thức ăn hoặc gây ra các tổn thương mô, hoại tử nghiêm trọng.
Top những loài kí sinh “ăn thịt người”
Tuần trước, một người đàn ông Australia đã bị nhiễm liên cầu khuẩn ăn thịt người, một trong rất nhiều trường hợp nhiễm loại vi khuẩn này trên thế giới mỗi năm.
Liên cầu khuẩn. (Ảnh: CDC).
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở, gây ra tình trạng viêm cân mạc hoại tử, nhanh chóng lây lan hủy hoại các mô mềm của cơ thể, gồm cả da và cơ bắp.
Các liên cầu khuẩn này cũng giống với loại vi khuẩn gây ra các chứng bệnh khác như sốt phát ban, bệnh chốc lở (một chứng nhiễm trùng da), hội chứng sốc độc và viêm tế bào, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Một loại liên cầu khuẩn khác cũng là nguyên nhân gây ra chứng viêm họng, gọi là viêm họng do liên cầu.
Ruồi ăn thịt Cochliomyia hominivorax. (Ảnh: Iowa State University).
Ấu trùng ruồi ăn thịt Cochliomyia hominivorax sống ở châu Mỹ. Con cái đẻ trứng vào phần thịt hoặc các vết thương hở của động vật máu nóng, vật nuôi, rốn của vật nuôi mới sinh và cả các lỗ hở trên cơ thể con người như lỗ tai.
Trứng sẽ nở trong vòng 24 giờ sau đó, sử dụng thịt và các chất lỏng trên cơ thể của bất kỳ vật chủ nào làm thức ăn, theo Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm Liên Hợp Quốc. Cơ thể những con ấu trùng này có các rãnh nhỏ, giúp chúng có thể khoan sâu vào cơ thể vật chủ như một chiếc đinh vít.
Năm 2013, một khách du lịch người Anh sau khi sang Peru đã mang về nước những con giòi này. Đầu tiên, bà nghe thấy những tiếng cào lạ bên trong đầu, sau đó là các cơn đau khủng khiếp ở một bên mặt. Sau khi toàn bộ số giòi đã được lấy ra ngoài, tình trạng của bà dần cải thiện, tuy nhiên, ống tai bị thủng lỗ chỗ.
Ấu trùng ruồi trâu. (Ảnh: Lyle Buss).
Khác với ruồi ăn thịt, ruồi trâu không trực tiếp đẻ trứng lên vật chủ, mà thông qua một vật chủ trung gian như muỗi hoặc ve. Những loài này sẽ lây lan trứng ruồi trâu lên cơ thể động vật máu nóng như con người khi hút máu. Sự thay đổi nhiệt độ giữa hai vật chủ sẽ làm trứng nở, đi vào cơ thể qua vết cắn hoặc vòi đốt.
Ấu trùng sẽ ở dưới lớp da người, bên trong một lớp da dưới mô, ăn các chất dịch của cơ thể trong khoảng 8 tuần trước khi rời khỏi để biến thành ruồi trưởng thành. Khi ở trong cơ thể, ấu trùng gây ra một tình trạng gọi là “nhọt giòi” (furuncular myiasis).
Vùng có ấu trùng sẽ bị sưng, viêm và chảy mủ. Theo một nghiên cứu năm 2007, để lấy ấu trùng ra khỏi vật chủ dễ dàng hơn, cần làm cho chúng bị ngạt thở bằng cách dùng sơn móng tay sơn lên toàn bộ vùng bị nhiễm.
Nhện nâu gây hoại tử. (Ảnh: Rick Vetter).
Một vài loài nhện có nọc chứa độc tố gây hoại tử hoặc phá hủy tế bào sống, điển hình là loài nhện thuộc nhóm Loxosceles. Nọc độc có thể gây phồng rộp vùng quanh vết cắn, có thể tạo thành vết thương hở hoặc và làm chết mô, theo Bảo tàng Australia.
Những con nhện này có ở nhiều vùng trên thế giới. Thường gặp nhất là các con nhện nâu (Loxosceles reclusa), sống tại một số bang miền Nam và Trung Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, theo Chương trình quản lý ký sinh gây hại của Đại học California, chỉ có 10% các vết cắn của loài nhện này gây tổn thương mô nghiêm trọng và để lại sẹo. Vết thương thường xấu đi do các nguyên nhân lâm sàng khác như nhiễm khuẩn.
Nhiễm amip ăn não quan sát qua kính hiển vi. (Ảnh: CDC).
Loài amip nhỏ bé có tên khoa học Naegleria fowleri sống ở các vùng nước ấm, sạch là loài chuyên ăn não người. Nó xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, đi qua màng xoang vào hành khứu giác.
Tại đây, nó sẽ sinh sản và lan dần lên não, gây ra hội chứng viêm não – màng não tiên phát (primary amebic meningoencephalitis – PAM), làm sưng não và dẫn đến tử vong trong hầu hết các trường hợp.
Chỉ có một vài người may mắn sống sót, như cô bé 12 tuổi Arkansas, bị nhiễm amip ăn não khi tiếp xúc với nước trong công viên vào năm 2012. Vào thời điểm đó, cô bé là một trong ba người duy nhất sống sót sau khi nhiễm khuẩn.
Theo VnExpress