Những sản phẩm thời trang tích hợp công nghệ mang tính ứng dụng cao

Những sản phẩm thời trang tích hợp công nghệ mang tính ứng dụng cao

Sau sản phẩm áo lót SHE chống “yêu râu xanh” do các sinh viên Ấn Độ sáng chế, trang tin BBC của Anh tiếp tục giới thiệu một số trang phục công nghệ khác cũng được thiết kế nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống cũng như hỗ trợ tính năng giải trí cho người dùng.

Áo khoác “âm nhạc”

Những sản phẩm thời trang tích hợp công nghệ mang tính ứng dụng cao

Machina Midi (Musical Instrument Digital Interface) được phát triển từ nguồn quỹ trị giá 77.000 USD của Kickstarter – một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở Mỹ, với mục tiêu hiện thực hóa ý tưởng biến cơ thể người mặc thành “nhạc cụ”. Nói về ý tưởng trên, đồng tác giả Linda Machina cho biết cô tình cờ đến một buổi hòa nhạc và thấy nghệ sĩ hòa âm bằng máy tính. “Chúng tôi muốn thay đổi điều đó, để âm nhạc hòa mình vào cuộc sống, trong đó người nghệ sĩ có thể sử dụng cơ thể mình như giao diện”, Machina giải thích.

Sản phẩm trông như những chiếc áo khoác bình thường nhưng cấu trúc bên trong được trang bị thêm 4 cảm biến mềm dẻo để phát hiện vị trí các ngón tay, một gia tốc theo dõi chuyển động từ cánh tay, một phím điều khiển và 4 nút bấm. Các cảm biến và nút bấm được kết nối với một ứng dụng trên máy tính hoặc thiết bị di động của khách hàng và có thể được tùy chỉnh theo ý thích.

Machina cho biết, đây chỉ là những chức năng ban đầu và nhóm của cô đang thử sức tạo ra một thư mục cho phép người dùng lưu trữ các bản phối khí và các chương trình của riêng mình, qua đó có thể dùng áo Machina Midi để điều khiển iPod, thêm cảm biến hoặc tương tác với thiết bị Kinect… Dự kiến, các mạnh thường quân của Kickstarter sẽ có trong tay sản phẩm này vào cuối năm, trước khi nó được tung ra thị trường đầu năm sau.

“Áo trợ thính” dành cho người khiếm thính

Những sản phẩm thời trang tích hợp công nghệ mang tính ứng dụng cao

Chiếc áo với tên gọi Flutter trông giống như một chiếc váy trắng bình thường, với hai đường viền trang trí bằng vải chạy dọc theo thân áo phía trước. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh tiến sĩ Halley Profita của Đại học Colorado (Mỹ) cho biết bên trong áo có một mạng lưới các micro và cảm biến với chức năng chỉ dẫn người khiếm thính hoặc bị rối loạn thính lực quay đúng theo hướng phát ra âm thanh, qua đó họ có thể phản hồi và tương tác tốt hơn, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp. Điểm đáng chú ý nữa là sản phẩm không gây bất kỳ tác dụng phụ nào.

“Một khi phát hiện âm thanh, chiếc áo sẽ lập tức phản hồi với chế độ rung theo hướng âm thanh được phát ra… phương pháp này thậm chí sinh động trực quan hơn cả được người khác hướng dẫn”, theo Profita cho biết, bản thân thường bị cuốn hút với công việc sáng tạo quần áo vừa có tính thẩm mỹ lại vừa có thể nâng cao chất lượng cuộc sống. “Có một số sản phẩm chuyên biệt dành cho người khuyết tật nhưng không được ưa chuộng bởi chúng không bắt mắt. Thêm vào đó, chúng thường hướng sự chú ý của mọi người đến tình trạng khuyết tật của người mặc và không ai muốn điều này”. Profita nói. “Vì vậy, chúng tôi muốn phát triển các sản phẩm vừa có chức năng hỗ trợ dựa trên công nghệ lại mang tính thẩm mỹ để tránh tình trạng trên”, cô nói thêm.

Hiện tại, áo Flutter vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng Profita hy vọng nó sẽ được thử nghiệm trong mùa thu tới.

Chip theo dõi các sản phẩm thời trang

Những sản phẩm thời trang tích hợp công nghệ mang tính ứng dụng cao

Asher Levine là nhà thiết kế thời trang nam và phụ kiện nổi tiếng ở Mỹ, chuyên thiết kế trang phục biểu diễn cho các nghệ sĩ nổi tiếng như Lady Gaga, Beyonce và nhóm nhạc Black Eyed Peas… Bộ sưu tập Thu Đông 2013 của anh được cho sẽ gây dấu ấn mạnh mẽ bởi tất cả các sản phẩm đều có thể được theo dõi nhờ tính năng kết nối Bluetooth. “Tôi bị mất rất nhiều găng tay, nên tôi muốn đưa tính năng này vào các phụ kiện thời trang cao cấp hoặc quần áo đắt tiền”, Lavine nói về mục đích phát triển sản phẩm.

Theo BBC, Asher Levine đang phối hợp cùng công ty Halo (chuyên tích hợp Bluetooth với điện thoại) phát triển loại vi mạch có khả năng kết nối Bluetooth để theo dõi các sản phẩm thời trang và người dùng có thể tìm thấy chúng nếu bị mất hoặc thất lạc. Cụ thể, ứng dụng Asher Levine TrackR sẽ phát âm thanh báo động nếu phát hiện chủ nhân và trang phục được gắn chip ở cách nhau quá xa. Trong trường hợp quần áo bị thất lạc hoặc mất trộm, chip sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại chủ nhân qua Bluetooth hoặc email, tin nhắn trên Facebook, thậm chí đánh dấu tọa độ GPS nơi sản phẩm xuất hiện lần cuối trên Google Maps.

Kết hợp công nghệ trong thời trang là lĩnh vực không mới, nhưng sử dụng công nghệ như một công cụ để theo dõi sản phẩm may mặc chắc chắn là phát minh có triển vọng trong tương lai.

 

Theo Báo Cần Thơ, Daily Mail, BBC