Bất ngờ với những sự thật khoa học nghe hư cấu nhưng lại có thật
Thiên nhiên luôn ẩn chứa vô vàn những điều kỳ diệu cùng sự thật thú vị. Đó có thể là những bí mật được cất giữ ngoài vũ trụ xa xôi hay đôi khi là những điều vô cùng gần gũi với đời sống con người.
Ngày nay, nhờ sự phát triển ngày càng vượt bậc của khoa học công nghệ, con người đã có thể chạm tới những bí mật đó, phần nào giúp chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện hơn.
1. Thiên thạch phá hủy rừng cây nhưng mặt đất còn nguyên vẹn
Sự kiện Tunguska còn có tên gọi khác là “Vụ nổ lớn Siberia”, diễn ra vào ngày 30 tháng 6 năm 1908. Theo các tài liệu ghi lại, vào hôm đó, một thiên thạch đã xâm nhập vào khí quyển Trái đất với tốc độ khoảng 54 nghìn km/h và phát nổ ở độ cao 8,5km so với mặt đất.
Vụ nổ có năng lượng tương đương 185 quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima, phá hủy hơn 60 triệu cây cối trong phạm vi 2.150 km vuông.
Điều kỳ lạ là tuy toàn bộ cây cối trong phạm vi ảnh hưởng bị hủy diệt, nhưng bề mặt mặt đất trong khu vực đó không hề bị ảnh hưởng một chút nào.
2. Nhiều hành tinh trôi lơ lửng giữa vũ trụ mà không thuộc bất kỳ hệ Mặt trời nào
Đối với những mảnh thiên thạch có lẽ đây không phải là một hiện tượng lạ. Tuy nhiên một hành tinh có thể tồn tại mà không thuộc bất cứ một hệ Mặt trời nào thì quả là chuyện có 1-0-2.
Nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải cho hiện tượng này. Theo các chuyên gia, những hành tinh này đã bị “đào thải” khỏi hệ Mặt trời và phải trôi dạt ngay từ những giai đoạn đầu khi chúng mới hình thành.
3. Đã từng có một thời, Địa Trung Hải không có một giọt nước
Các nhà địa chất cho rằng, đây là một sự kiện đã diễn ra cách đây 5,5 triệu năm, gây ra bởi sự kết nối 2 mảng châu lục Âu và Phi và làm đóng lại con đường dẫn ra Đại Tây Dương của biển Địa Trung Hải.
Trải qua hàng ngàn năm, nước biển từ từ bốc hơi cho đến khi không còn một giọt nước. Phải mất khoảng 200 nghìn năm sau, một trận lũ khổng lồ có tên Zanclean đã làm ngập một đoạn đất liền kết nối châu Âu và châu Phi, từ đó nối liền Đại Tây Dương với Địa Trung Hải.
4. Ở Úc đã từng xuất hiện một trận “mưa động vật”
Bạn có tin, không chỉ cá mà cả nhện, ếch và nhiều loại động vật khác đã theo những hạt mưa “hạ cánh” xuống mặt đất. Hiện tượng kỳ lạ này khiến không ít người bàng hoàng, thậm chí cảm thấy lo lắng và xem đây như là dấu hiệu của Ngày Tận thế.
Tuy nhiên theo các chuyên gia thì đây là một hiện tượng khoa học. Giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất chính là những loài động vật này đã bị hút lên và cuốn đi bởi một vòi rồng hoặc những cơn gió xoáy ở một nơi nào đó.
Sau đó, chúng lại được thả xuống ở một vùng đất khác lạ, có khi xa địa điểm các loài động vật này hút lên trời hàng trăm, nghìn km.
5. Xuất hiện những cơn bão “bất tử” ở hồ Maracaibo, Venezuela
Hồ Maracaibo ở Venezuela là nơi chứng kiến những cơn bão sấm sét nhiều hơn cơm bữa, với lượng sét có thể tạo ra nguồn điện 1 triệu volt hàng năm.
Đi kèm với chúng là những cơn bão diễn ra khoảng 150 ngày mỗi năm và kéo dài 10 tiếng mỗi ngày. Hiện tượng này góp phần sinh ra một lượng lớn khí ozone trong tự nhiên.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng này là dòng sông Catatumbo trên đường đổ ra hồ Maracaibo đã chảy qua một đầm lầy chứa nhiều chất hữu cơ bị phân hủy.
Những chất hữu cơ này giải phóng một lượng lớn khí metan, kết hợp với uranium tỏa ra từ các dãy đá xung quanh tạo thành những cơn bão kéo dài vô tận.
6. Sự tồn tại của những cơn bão lửa
Bạn có bao giờ tưởng tượng rằng, những cơn gió xoáy đáng sợ này mà đi kèm với một lượng lửa cháy vô cùng lớn thì chẳng khác nào “hổ mọc thêm cánh”.
Những cơn bão lửa này xuất phát chủ yếu từ hiện tượng cháy rừng lớn. Khi có cháy, nhiệt độ tăng cao làm tăng tốc độ di chuyển của những phân tử khí tạo thành những cơn gió vô cùng lớn.
Hơn nữa, bên trong những cơn gió xoáy đó còn có oxy, nguồn năng lượng giúp duy trì sự cháy của lửa. Những yếu tố trên kết hợp sẽ tạo ra những cơn bão lửa vô cùng khủng khiếp, không chỉ đem lại cái nóng mà còn có sức tàn phá đáng sợ.
7. Những chú chuồn chuồn cổ đại có kích cỡ to bằng chim hải âu
Những anh chàng khổng lồ này có tên khoa học là Meganeura – thủy tổ của loài chuồn chuồn ngày nay. Chuồn chuồn khổng lồ sống vào thời kỳ khoảng 300 triệu năm trước, với thức ăn chủ yếu là những loài côn trùng nhỏ hơn.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu tại sao loài côn trùng với kích thước lớn như vậy lại có thể phát triển mạnh trong thời điểm đó. Nếu chúng còn tồn tại trong thời kỳ ngày nay chắc chắn sẽ là một cơn ác mộng và sẽ chẳng có ai dám để chuồn chuồn cắn rốn cho biết bơi nữa.
8. Gấu Koala có nhiều hơn một bộ phận sinh dục
Gấu Koala là một loài gấu đặc biệt chỉ sống tại châu Úc, và cũng là một trong những biểu tượng của nước này, bên cạnh chim kiwi và chuột túi kangaroo. Đây là một loài gấu rất hiền lành và chỉ ăn lá cây, hoa quả.
Cũng giống như chuột túi, gấu koala mẹ sẽ thường để gấu con sơ sinh trong cái túi trước bụng mình. Tuy nhiên điều đặc biệt ở loài gấu này không chỉ có vậy.
Bộ phận sinh dục của gấu koala đực gồm 2 chiếc, trong khi gấu cái có tới 3 bộ phận sinh dục cái – 2 âm đạo của gấu cái sẽ được dùng để nhận tinh trùng từ 2 dương vật của con đực và âm đạo còn lại dùng cho việc sinh đẻ.