Ẩn dưới lớp cát sa mạc của Dubai, thành phố hiện đại ngày nay với những công trình kiến trúc tráng lệ, là những thành phố từng một thời phát triển phồn thịnh.
Những thành phố tráng lệ, phồn thịnh một thời bị chôn vùi dưới sa mạc
Nhiều di tích khảo cổ và tàn tích của các thành phố cổ đại đang được khai quật. Hơn 100.000 năm trước, khi loài người bắt đầu di cư từ châu Phi đến bán đảo Arab, họ trải qua hàng thiên niên kỷ săn bắn hái lượm, tiến lên trồng trọt và rồi biến vùng đất này trở thành trung tâm chế tác đồ đồng, công nghệ làm thay đổi thế giới. Từ đây, người xưa phát triển và xây dựng những thành phố phồn thịnh.
Bản đồ minh họa từ cuốn sách Những vị hoàng đế sa mạc của Oman do Methuen xuất bản năm 1947. (Ảnh: Acient Origins)
Vùng đất Magan bí ẩn
Cách đây 5.000 năm, người ta tìm thấy nguồn đồng đỏ quý hiếm tại khu vực gần biên giới Oman ngày này. Thay vì sống du mục dựa vào săn bắn-hái lượm, người ta bắt đầu học cách khai thác đồng đỏ và trộn nó với thiếc để tạo ra hợp chất đồng.
“Vùng đất Magan” nhanh chóng trở thành nơi cung cấp đồng phục vụ sản xuất công cụ và vũ khí cho toàn khu vực Trung Đông. Đồng giúp tăng năng suất trồng trọt và hình thành các nền văn minh trong khu vực.
Nhiều di tích khảo cổ được khai quật trên diện tích hơn 50 ha ở Hili, phía bắc thành phố Al Ain. Nổi bật là ngôi mộ hình tròn rất đẹp, có đường kính khoảng 10 mét. Phía trên lối vào mộ có chạm khắc hình hai con linh dương châu Phi. Các viên đá được cắt chính xác đến mức chỉ nha khoa cũng không luồn được qua khe. Bức tường quanh mộ giống như phiên bản thu nhỏ của bức tường đá khổng lồ của người Inca ở Machu Picchu. Tuy nhiên, tường đá của người Inca mới chỉ xây dựng cách đây 500 năm, còn ngôi mộ này đã 4.700 năm tuổi.
Những thành phố thời kỳ đồ sắt
Khoảng 2.000 năm sau, sắt thay thế đồng. Cuộc cách mạng trong đời sống người dân trên bán đảo Arab bắt đầu. Mleiha, thành phố gần Al Dhaid và cách Dubai một giờ lái xe, trở thành trung tâm sản xuất sắt.
Trong suốt thời hoàng kim, Mleiha là một trong những thành phố đông dân nhất khu vực. Dù chỉ có bề rộng khoảng 1,6 km, nhưng ở đây có đến hàng trăm ngôi nhà và khu sản xuất kim loại tồn tại suốt hơn 500 năm kể từ giữa thời kỳ đồ sắt.
Sắt được chuyển từ Mleiha đến bờ biển Tell Abraq và Ad-Dur. Từ đó, chúng được chở bằng tàu đến Vịnh Ba Tư để giao cho khách ở khu vực Lưỡng Hà và Đông Địa Trung Hải.
Đến thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, thành phố bị bỏ rơi và quên lãng. Tường thành đổ nát và bị cát che phủ. Đến nay, một số lò sắt đã được khai quật, phục dựng và bảo tồn.
Thành phố Mleiha, từng là một trong những nơi đông dân nhất ở Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. Ảnh: David Millar
Tell Abraq và Ad-Dur cũng là hai địa danh đáng chú ý. Suốt 2.000 năm kể từ khi Hili bị chiếm đóng, Tell Abraq là nơi tập trung dân cư đông đúc. Al-Dur là thành phố rộng lớn nằm trên bờ biển, đối diện tiểu vương quốc Umm al-Quwain hiện nay. Những khối đá xây nhà vẫn được lưu giữ nguyên vẹn giữa những đụn cát nơi đây.
Julfar – thành phố nổi tiếng thời trung cổ
Julfar là thành phố cảng lớn nhất và quan trọng nhất khu vực phía nam Vịnh Ba Tư trong suốt hơn 1.000 năm. Giai đoạn thế kỷ 10-14 là thời kỳ hoàng kim của Julfar, cũng như của ngành hàng hải và thương mại Arab. Các nhà hàng hải Arab đã đến vùng biển châu Âu trước khi người châu Âu vượt Đại Tây Dương đến Vịnh Ba Tư. Các thương nhân Arab đến tận Ấn Độ, Viễn Đông và Trung Quốc để buôn bán đủ loại hàng hóa. Mỗi chuyến đi của họ có thể kéo dài đến 18 tháng.
Julfar luôn bị các cường quốc xung quanh nhòm ngó. Thành phố bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng vào thế kỷ 16 và người Ba Tư tấn công vào thế kỷ 17. Năm 1750, thành phố rơi vào tay bộ tộc Qawasim ở Ras al-Khaimah. Đến nay, Ras al-Khaimah vẫn tồn tại nhưng Julfar thì đã chìm vào quên lãng.
Chiếm đến 95% diện tích Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, sa mạc vẫn chôn giấu nhiều bí mật. Những phát hiện quan trọng hàng năm đang hoàn thiện dần bức tranh về lịch sử của đất nước này.
Một đội khảo cổ đang khai quật tại Julfar, tháng Tư năm 2010. (Ảnh: The National.)