Các ông bố, bà mẹ thường than phiền “bé nhà mình sao biếng ăn quá” mà không biết một phần do chính họ đã “tiếp tay” cho chứng biếng ăn của trẻ. Những thông tin dưới đây về các thói quen “phát huy” chứng biếng ăn ở trẻ sẽ là những thông tin bổ ích mà các bậc phụ huynh nên ghi nhớ để tránh gặp phải.
-
1
Chiều theo thói quen kéo dài bữa ăn của trẻ
Thay vì để bé tập trung ăn trong 20-30 phút, nhiều bậc phụ huynh chấp nhận “chơi trò chơi” “đi rông”… cả tiếng đồng hồ để dụ bé ăn hết. Thực tế, thời gian ăn kèo dài sẽ khiến bé mệt mỏi, chán ngán cộng thêm đồ ăn để quá lâu không còn ngon & mất vệ sinh.
-
2
Cho bé ăn vặt tùy ý
Bạn đã vô tình không cho bé “cơ hội” có được cảm giác đói. Hãy thử trong vài ngày liền không cho bé ăn vặt và hãy đợi để tự bé phải nhắc đến bữa ăn vì đói bụng. Khi đã quan sát được lúc nào bé thường thấy đói, bạn hãy cho bé ăn vào những giờ cố định.Nếu sau khi bỏ ăn một bữa mà bé vẫn không thấy đói tức là hệ tiêu hóa của bé có vấn đề, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện khám.
-
3
Ca mãi bài ca “Bón cơm”
Qua 12 tháng, thay vì để bé tự ăn, nhiều ông bố bà mẹ vẫn chăm chăm đút từng muỗng cơm, thìa canh cho con mà không biết đây cũng là một nguyên nhân góp phần làm bé chán ăn. Hãy để bé tự ăn. Phần lớn trẻ 2-3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu để bé tự xúc cơm. Nếu người mẹ cứ bón cho con ăn mãi, dần dần bé sẽ nhận thấy bữa ăn đúng là một cực hình đầy khó chịu, chẳng khác gì phải gội đầu hay uống thuốc. Làm sao để bé thấy rằng bữa ăn là niềm vui, là sự thích thú giống như bé đang chơi một trò chơi nhé.
-
4
Không tiếc lời khen ngợi trẻ trong lúc ăn
Vì bạn nghĩ như vậy sẽ khuyến khích trẻ, giúp trẻ muốn ăn hơn. Nhưng điều này chỉ phản tác dụng. Hãy để cho con hiểu, ăn uống không phải là điều đáng khen mà đó là đặc quyền, ăn nhiều để có sức khoẻ, để cao lớn thông minh hơn chứ không phải để làm vui lòng cha mẹ.
-
5
Tham lam nhồi nhét thật nhiều đồ ăn
Một bát cơm vun đầy thịt cá chỉ làm bé thêm chán ngán bữa ăn. Hãy nhớ nguyên tắc chia nhỏ “tuy ít mà nhiều”, bỏ vào bát cơm của trẻ chỉ một miếng thịt nhỏ, vài cọng rau và một ít cơm. Nếu trẻ muốn ăn thêm, bạn hãy thay món cũ bằng một vài món khác để kích thích sự thèm ăn của chúng.
-
6
Thiết lập chế độ “độc tài” trên bàn ăn
Không khí bữa ăn căng thẳng chỉ làm chứng biếng ăn của bé thêm trầm trọng, thay vào đó cố gắng tạo sự vui vẻ, thoải mái cho bé lúc ăn sẽ có hiệu quả vô cùng bất ngờ
-
7
Ăn tốt nhưng ít vận động
Qua tham khảo, bạn biết chế độ dinh dưỡng cho bé rất hợp lý, các món rất ngon miệng nhưng không hiểu sao bé ngày càng lười ăn. Phải chăng bạn đã quên mất một điều là khuyến khích bé vận động? Bạn nên thường xuyên cho bé ra ngoài hoạt động, chạy nhảy, không nên để bé cả ngày ở trong nhà “ôm” lấy cái ti vi hay chơi điện tử.
-
8
Giờ ăn tùy hứng
Một số bà mẹ cho rằng nếu trẻ không muốn ăn thì mặc kệ trẻ, đợi trẻ đói rồi tức khắc sẽ đòi ăn nhưng càng chờ càng sốt ruột. Thực tế, nếu để tình trạng kéo dài sẽ gây ra rối loạn khả năng hấp thụ của trẻ. Ba mẹ hãy cố gắng sắp xếp bữa ăn ngày 3 bữa vào một giờ nhất định. Trước bữa ăn khoảng 5 – 10 phút nên nhắc nhở trẻ chuẩn bị đến giờ ăn. Nếu trẻ khoảng 5 – 6 tuổi thì có thể để cho trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn như nhặt rau, sắp chén bát. Như vậy trẻ sẽ có một quá trình chuẩn bị tâm lý, dịch vị được tiết ra, ăn sẽ “vào” hơn.